Nền kinh tế gồng mình “vượt bão”
Dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu tích cực hơn. Nền kinh tế đang gồng mình để “vượt bão”.
Có rất nhiều con số để chứng minh điều này. Chẳng hạn, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 34% so với tháng trước đó, chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2022 và có xu hướng giảm dần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,7% so với tháng 3/2023 và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022; Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 3,6% so với tháng trước đó và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022…
Ngay cả tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực, với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 16.000 doanh nghiệp, tăng 12,3% về số doanh nghiệp và 6,2% về vốn so với tháng 3/2023. Tính chung 4 tháng, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 78.900 doanh nghiệp, gấp 1,3 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 và nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (77.000 doanh nghiệp).
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2023, diễn ra vào cuối tuần qua, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh rằng, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của tháng 4 đã có chuyển biến, nhiều lĩnh vực đã có tín hiệu và xu hướng tích cực hơn.
Nhưng một cách thẳng thắn, cũng chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa dùng cụm từ “khó khăn, thách thức” để nói về chặng đường phía trước của nền kinh tế. Rõ ràng, những diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới đang tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…
Xuất khẩu là một ví dụ. Xu hướng giảm vẫn tiếp tục, khi kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4/2023 giảm 7,3% so với tháng trước đó và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, mức giảm là 11,8%.
Tất yếu, xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp, tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi thế, hoàn toàn dễ hiểu khi riêng tháng 4/2023 có tới 14.509 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp rút lui tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ kém gần 2.000 doanh nghiệp so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động…
Nếu dựa trên các chỉ số kinh tế vĩ mô này để vẽ nên bức tranh kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, có lẽ, gam màu xám sẽ nhiều hơn. Khó khăn, thách thức còn lớn hơn cơ hội.
“Cửa” ra của nền kinh tế có vẻ không mấy thuận lợi. Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo rằng, khó khăn có thể kéo dài đến hết quý II/2023.
Dữ liệu về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm, khi nhu cầu của khách hàng vẫn yếu. Điểm số 46,7 của PMI tháng 4/2023, do S&P Global vừa công bố, vẫn tiếp tục nằm dưới ngưỡng 50 điểm, giảm lần thứ 5 trong vòng 6 tháng qua và là lần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Điều này cũng có nghĩa, cả hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa thể sớm phục hồi.
Trong bối cảnh đó, điều hành kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực, nhất là với thu ngân sách nhà nước. Rất có thể, những khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư trong bối ảnh nhiều chính sách miễn giảm, giãn một số loại thuế, phí tiếp tục được thực hiện… sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách trong năm nay.
Điều hành kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng cũng không hề dễ dàng. Áp lực lên nền kinh tế trong 2/3 chặng đường còn lại của năm quả thật rất nặng nề.
Không còn cách nào khác, phải nỗ lực từng chút một để vượt qua khó khăn, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi kinh tế toàn cầu còn khó khăn, trong khi các giải pháp như thúc đẩy xuất nhập khẩu phụ thuộc vào bên ngoài, thì câu trả lời đúng cho kinh tế Việt Nam là phải bắt đầu từ các vấn đề mà nền kinh tế có thể chủ động thực thi. Theo đó, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả thị trường nội địa… là sự lựa chọn tốt nhất trong lúc này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận