menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Việt Nữ

Nền kinh tế đang rất khó khăn

Không thúc được giải ngân đầu tư công sẽ khó cho tăng trưởng.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 23, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, nền kinh tế đang rất khó khăn, triển vọng tăng trưởng khó đột phá, ít nhất trong quý II.

“Rất khó tìm cơ hội tăng trưởng”

Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 (diễn ra từ ngày 9 - 12.5.2023), Ủy ban Kinh tế chỉ rõ: tăng trưởng GDP quý I.2023 chỉ đạt 3,32% - mức rất thấp trong điều kiện bình thường. Thêm vào đó, mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của quý I.2022 khi nền kinh tế lúc đó vẫn đang chịu tác động bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Điều đó cho thấy nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn. “Triển vọng tăng trưởng GDP quý II.2023 khó đột phá khi kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục triển vọng thiếu tích cực”.

Nhận định này được củng cố thêm bởi những chỉ dấu như: khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,4% trong quý I.2023, trong đó hầu hết các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực chính của tăng trưởng đều sụt giảm, như ô tô giảm 17,8%, thép thanh, thép góc giảm 15,8%, xe máy giảm 13,8%, linh kiện điện thoại giảm 13,4%... Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng PMI vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, về mức 46,7 điểm, là lần giảm mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn, hàng tồn kho tăng cao. Số liệu tiêu thụ điện 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ cũng cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 39,9%. Khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp là tiếp cận tín dụng, thị trường bị thu hẹp. Xuất khẩu cũng giảm tới 11,8% so với cùng kỳ, trong đó các ngành như dệt may giảm tới trên 19%, điện thoại và linh kiện giảm 17,3%, giày dép giảm 16,3%... (theo Tổng cục Thống kê). Trong quý II.2023, “tình hình vẫn không mấy khả quan”. “Tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp vẫn sẽ kéo dài đến hết quý III”, Ủy ban Kinh tế nhận định.

TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong cũng cho rằng, rất khó tìm cơ hội tăng trưởng trong quý II, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm do khả năng suy thoái kinh tế nhẹ, lãi suất các nước tăng cao, lạm phát ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Trong nước, tiêu dùng nội địa cũng suy giảm. Điển hình là trong kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, khách du lịch đến Phú Quốc - một trong những trọng điểm về du lịch biển - sụt giảm tới 11,5% so với cùng kỳ; hay hệ thống Thế giới Di động đã giảm tới 12.000 nhân sự trong nửa năm qua có nguyên nhân vì tình hình kinh tế và sức mua giảm sút.

Cũng theo ông Tùng, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng là đầu tư công, song giải ngân vẫn rất chậm, mới đạt gần 15% trong 4 tháng qua. Nhìn chung, “chưa thấy có tín hiệu tích cực nào xét cả bên trong và bên ngoài”. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay vào khoảng 6,5% là một thách thức rất lớn!

Trị bệnh sợ trách nhiệm

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, vẫn có cơ hội cho nền kinh tế khi Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% cho các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT 10% (tương ứng khoảng 90% hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế). Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét vấn đề này tại Kỳ họp vào tháng 5 này và áp dụng từ ngày 1.7.2023. Điều này chắc chắn sẽ kích thích nền kinh tế cả ở đầu vào sản xuất của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng khi giá cả sẽ hạ bớt, dự kiến giá hàng hóa giảm khoảng 1,7%. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của chính sách này.

Theo tính toán của ông Thịnh, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tiêu dùng và dịch vụ khoảng 14,9%, khi áp dụng mức giảm thuế VAT 2% sẽ đẩy tăng trưởng này tương đối cao, qua đó thúc đẩy tăng trưởng GDP, góp phần bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm sẽ ở mức 3,5 - 3,8%. Đặc biệt, với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm đẩy hàng tồn kho tăng cao, vòng quay của vốn bị đình trệ, việc giảm thuế VAT sẽ giúp tăng khả năng tiêu thụ cho doanh nghiệp ở ngay thị trường trong nước. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự có hiệu quả, chuyên gia lưu ý công tác quản lý giá phải rất sát sao, bảo đảm giá hàng hóa phù hợp giá thành sản xuất, tránh tình trạng thuế VAT giảm nhưng giá bán lại tăng cao.

Tuy nhiên, theo TS. Phùng Đức Tùng, hiện thu nhập, việc làm giảm sút do kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng giảm nên nếu không có giải pháp căn cơ thì việc giảm thuế VAT sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa. Ông Tùng lưu ý, mấu chốt là phải giải bài toán về lãi suất huy động cho doanh nghiệp vì hiện vẫn ở mức cao so với trước dịch Covid-19. Đặc biệt, mục tiêu giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay là con số khổng lồ và nếu thực hiện được sẽ kéo theo toàn nền kinh tế tăng trưởng. Phải tập trung cho nhiệm vụ chính trị quan trọng này, ông Tùng nhấn mạnh.

Một trong những rào cản nữa được các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện nay, tình trạng sợ trách nhiệm đang là nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng xác nhận điều này khi cho rằng, tình trạng thiếu năng động, sợ trách nhiệm đang tồn tại ở một số địa phương trên cả nước. Bởi vậy, cùng với việc kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành đồng bộ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác; quyết liệt đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; chủ động ứng phó, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu… như đề xuất của Ủy ban Kinh tế, phải gỡ được vấn đề sợ trách nhiệm này. Nếu không, các chính sách dù có mang tính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đến đâu cũng sẽ khó đạt hiệu quả!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả