Nên hay không cho phép cá nhân nước ngoài mua bất động sản du lịch
Mở cửa cho cá nhân nước ngoài mua bất động sản du lịch có thể giúp đón thêm vốn đầu tư, nhưng việc này cũng tiềm ẩn rủi ro.
Tiềm ẩn rủi ro
Trước tình trạng các luật vênh nhau, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua bất động sản du lịch, một động thái hy vọng gỡ khó cho thị trường bất động sản hiện nay.
Theo Điều 5, Luật Đất đai năm 2013, cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Vì vậy, không có việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 lại cho phép cá nhân nước ngoài, nếu đáp ứng điều kiện, được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do quy định của Luật Nhà ở chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai, nên chưa có cơ sở cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở.
Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, trong khi hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel..) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ, hướng dẫn các địa phương về chế độ sử dụng đất và cấp chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng không phải nhà ở, trong đó có condotel, nhưng nội dung hướng dẫn vẫn còn chung chung, chưa làm sáng tỏ được vấn đề người mua condotel liệu có được cấp giấy chứng nhận sở hữu hay không.
Xuất khẩu tại chỗ, nhưng quản thế nào?
Theo CBRE Vietnam, trong nửa đầu năm 2020, số lượng condotel mới mở bán ở các điểm du lịch lớn như Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc, cũng như lượng giao dịch “bốc hơi” mạnh, giảm khoảng 90% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm gỡ khó cho thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua bất động sản du lịch.
Giới kinh doanh bất động sản đánh giá, đây là động thái rất tích cực, thể hiện nỗ lực và sự đồng hành của Nhà nước cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam cho rằng, đề xuất này là việc nên làm.
An ninh trật tự là vấn đề đáng bàn khi người nước ngoài lưu trú ở những địa phương ven biển, những nơi trọng yếu về an ninh - quốc phòng.
“Việc bán bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ, việc người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam. Không những thế, việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng tốt theo”, ông Khương lập luận.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, cần cân nhắc 3 điểm then chốt nếu đề xuất cho phép người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch tại Việt Nam thành hiện thực.
Thứ nhất, ngành du lịch cần phải phát triển đồng bộ và tăng sức hấp dẫn vì nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc chi tiền cho một căn hộ du lịch hay villa nghỉ dưỡng, thì họ chỉ quan tâm thu lời trong nhiều năm.
Thứ hai, giấy tờ, thủ tục pháp lý rõ ràng.
Thứ ba, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tức là bố trí dự án ở những vị trí không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng như gần các căn cứ quân sự, khu vực chính trị…
Như vậy, quanh một hồi, “quả bóng” trách nhiệm lại đến chân cơ quan quản lý nhà nước.
Thực sự, cũng không thể loại trừ khả năng có kẽ hở trong triển khai dự án, những pha luồn lách dự án, như tại Đà Nẵng, có dự án mọc lên trên cả đất liên quan đến an ninh, quốc phòng.
An ninh trật tự là vấn đề đáng bàn khi người nước ngoài lưu trú ở những địa phương ven biển, những nơi trọng yếu về an ninh - quốc phòng. Đơn cử, chính quyền địa phương “ngã ngửa” khi Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Hải Phòng triệt phá đường dây đánh bạc qua Internet do người Trung Quốc điều hành tại Khu đô thị Our City (đường Phạm Văn Đồng, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng) - khu vực kết nối trung tâm Hải Phòng với khu du lịch Đồ Sơn.
Tại đây, phát hiện 380 người Trung Quốc tham gia điều hành đường dây đánh bạc phục vụ công dân Trung Quốc, với số tiền giao dịch lên đến 3 tỷ nhân dân tệ (hơn 10.000 tỷ đồng). Nhóm người Trung Quốc này thuê cơ sở vật chất trong Khu đô thị Our City và ăn ở, sinh hoạt tại đây trong một thời gian dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận