NĐT "lướt sóng" mắc cạn trên thị trường
Những nhà đầu tư lướt sóng đổ vốn vào thị trường bất động sản đang đứng ngồi không yên khi thị trường càng ngày càng khó khăn. Ở thời điểm này, nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường với mục đích “đánh nhanh thắng nhanh” đã giảm giá bán nhưng vẫn không tìm được khách mua.
Đặc điểm của những nhà đầu tư lướt sóng là tham gia vào thị trường bất động sản với tâm lý ngắn hạn và thường tài chính chỉ được chuẩn bị cho “cuộc chơi” ngắn nên khi thị trường trầm lắng, nhóm nhà đầu tư này đuối sức. Trong bối cảnh giải ngân từ ngân hàng khó, lãi suất vay tăng, những nhà đầu tư lướt sóng đang rơi cảnh “mắc cạn”.
Các tháng đầu sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường vẫn còn hoạt động khá tốt, nhà đầu tư Phạm Thành Vinh, trú tại Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội) đã mạnh tay đầu tư 2 sản phẩm bất động sản là đất nền Móng Cái và đất nền Vân Đồn (Quảng Ninh). Từ các kinh nghiệm đầu tư trước đó, ông Vinh tự tin chỉ vài tháng nữa, khi yếu tố hạ tầng then chốt là cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thông xe, giá bất động sản khu vực sẽ nhảy vọt.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, những diễn biến sau đó của thị trường đầy bất ngờ và khó đoán định: hàng loạt các yếu tố về chính sách như kiểm soát tín dụng bất động sản, kiểm soát phát hành trái phiếu và việc nhiều ông lớn đứng đầu các doanh nghiệp bất động sản như FLC, Tân Hoàng Minh… bị bắt đã khiến thị trường bất động sản lao dốc. Do đó, đầu tháng 9, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái chính thức thông xe đã không “kích thích” được giá bất động sản khu vực nổi sóng như ông Vinh nhận định. Thị trường Vân Đồn – Móng Cái im ắng trong sự trầm lắng chung. Hiện ông Vinh vẫn đang kẹt hàng tại thị trường này và đứng ngồi không yên. Bởi lẽ, do tự tin vào thời điểm ra được hàng nên ông mạnh tay vay mượn ngân hàng và người thân. Ở thời điểm hiện tại, tín dụng ngân hàng cho bất động sản bị siết, ông không xoay được dòng tiền để đáo hạn khoản nợ cũ và đã buộc phải nhờ môi giới rao bán cắt lỗ so với giá mua vào nhưng vẫn không có khách xuống tiền.
Cũng tham gia thị trường với mục đích đánh sóng, tháng 10/2021, ông Nguyễn Gia Bảo, trú tại phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) đã vay ngân hàng đầu tư một lô biệt thự Hoài Đức (Hà Nội). Với tốc độ tăng giá mạnh của biệt thự vùng ven Hà Nội trong suốt hai năm 2020 và 2021, ông Bảo tin là căn biệt thự mình mua sẽ tiếp tục xác lập mức giá mới trong năm 2022. “Tôi cho rằng chỉ sau Tết là giá căn biệt thự sẽ tăng thêm ít nhất 10%, khi đó bán vẫn có lời”, ông Bảo nhận định. Quả thực, sau Tết, thị trường sôi động, giá căn biệt thự của ông tăng thêm được gần 2 tỷ, tương đương khoảng 10%. Tuy nhiên, ông Bảo không bán vì cho rằng giá sẽ còn lên tiếp. Thế nhưng, kể từ tháng 4, khi tín dụng bất động sản bị siết, thị trường càng ngày càng trầm lắng, thanh khoản các dòng sản phẩm triệu đô giảm mạnh khiến ông Bảo không ra được hàng. Từ tháng 8, nhận thấy nếu kéo dài thì bản thân không còn khả năng trả lãi vay ngân hàng, ông buộc phải giảm giá nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được khách mua.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh, một nhà đầu tư đang săn tìm các sản phẩm bất động sản giá rẻ cho biết những nhà đầu tư lướt sóng thường xác định ôm hàng khoảng 3 tháng đến một năm. Họ thường có tỷ lệ vay khá lớn và phụ thuộc vốn vào ngân hàng. Chính bởi vậy, khi thị trường lao dốc, vắng người mua, nhà đầu tư lướt sóng không tìm được người mua mới nên rơi vào tình trạng mắc cạn.
Bà Oanh cho rằng dù giá bất động sản ở nhiều nơi đã giảm so với mặt bằng giá chung nhưng việc ra hàng vẫn không thuận lợi. Giới đầu tư sành sỏi thì chưa “trả giá, mặc cả” do nhận định từ nay đến sang năm thị trường sẽ vẫn còn rất khó khăn. “Nhiều nhà đầu tư tôi tiếp xúc cho rằng lãi suất vay sẽ tiếp tục tăng, giải ngân của ngân hàng sẽ tiếp tục khó sẽ khiến nhiều chủ đất vay ngân hàng như ngồi trên đống, không cầm cự được thêm, buộc phải giảm giá sâu, khi đó việc mặc cả, trả giá sẽ dễ dàng hơn”, bà Oanh nhấn mạnh.
Nhìn nhận về thực trạng trên, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết vào thời điểm này, ít nhất khoảng 50% nhà đầu tư đang mắc kẹt khi họ định vay vốn tạm để đầu tư rồi nhanh chóng bán ra nhưng lại gặp thị trường trầm, thanh khoản kém. Năm 2023, nếu Nhà nước không có chính sách mới để nới lỏng tiền tệ thì nhiều nhà đầu tư sẽ gặp khó, thị trường sẽ xáo trộn. Trong trường hợp tín dụng cải thiện, thị trường có sức mua thì những nhà đầu tư lướt sóng có thể giảm tải được phần nào áp lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận