Nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 85% vào năm 2050
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, đặt mục tiêu tỷ trọng NLTT trong tổng năng lượng sơ cấp ngưỡng 15-20% năm 2030 và khoảng 80-85% năm 2050.
Bộ Công thương vừa tổ chức Hội nghị công bố các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 861 ngày 18/7; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản được phê duyệt tại Quyết định số 866 ngày 18/7; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 893 ngày 26/7.
Trong đó, Quy hoạch tổng thể về năng lượng hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng…
Đặc biệt, để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, quy hoạch này rất coi trọng về chuyển đổi năng lượng công bằng, với mục tiêu là, tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) trong tổng năng lượng sơ cấp 15-20% năm 2030 và khoảng 80-85% năm 2050.
Về tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm cả dầu thô và sản phẩm), dự kiến lên 75-80 ngày nhập ròng vào năm 2030. Định hướng sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng.
Với Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đặt mục tiêu về xăng dầu là đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Dự trữ thương mại tăng thêm từ 2,5-3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng.
Dự trữ quốc gia đảm bảo sức chứa từ 500 nghìn đến 1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1-2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; đảm bảo sức chứa từ 500-800 nghìn m3 sản phẩm xăng dầu và 2-3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25-30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Về khí đốt: Đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030; đối với LNG đạt 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng dầu, trạm phân phối LPG và kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng.
Còn Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đặt mục tiêu đối với khoáng sản bô xít là thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin);
Mục tiêu với khoáng sản titan là, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan với lộ trình và quy mô hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyển, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng;
Với khoáng sản đất hiếm, mục tiêu là, phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ô xít, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%;
Khoáng sản niken, đồng, vàng: Hoạt động khai thác phải đi kèm dự án đầu tư chế biến một cách đồng bộ, hiệu quả, bền vững và thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm và đảm bảo môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương mghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và cơ chế chính sách có liên quan để quản lý và thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm (2021-2030) và các kế hoạch 5 năm, hàng năm của từng ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án năng lượng, khoáng sản trong lĩnh vực, địa bàn quản lý theo định hướng quy hoạch, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm;
Ngoài ra, ưu tiên bố trí quỹ đất và chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cho các dự án theo quy định.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty năng lượng, khoáng sản (như EVN, PVN, TKV, Hóa chất, Xăng dầu…) và các Hiệp hội ngành nghề đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận