Năng suất lao động thấp khiến GDP Việt Nam không về đích giai đoạn 2016 - 2020
GDP Việt Nam không về đích đúng hẹn… do năng suất lao động thấp là thông tin Tổng Cục Thống kê đề cập đến tại báo cáo về động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm (2016 - 2020)...
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 xấp xỉ 6% không đạt được mục tiêu Kế hoạch đề ra là tăng 6,5-7%/năm. Nền tảng kinh tế vĩ mô, khả năng chống chịu của nền kinh tế có thời điểm chưa thực sự vững chắc.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động với mức đóng góp bình quân giai đoạn 2016-2020 là 54,28%, trong đó đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này cao hơn đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
Mức đóng góp của vốn và TFP vào tăng trưởng các năm 2016-2020 lần lượt là: 50,86% và 44,87%; 47,91% và 46,09%; 46,18% và 44,76%; 46,35% và 47,71%; 104,21% và 44,43%.
Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhưng mức năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2017 (giá hiện hành), năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 đạt 13,8 nghìn USD, chỉ bằng 8,4% mức năng suất của Singapore; 23,1% của Malaysia; 41,5% của Thái Lan; 55,5% của Indonesia và 62,8% của Philipines; chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,8 lần).
Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tuy có tăng qua các năm nhưng vẫn không đạt so với mục tiêu 3.200-3.500 USD đặt ra vào năm 2020.
Hiện nay Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, năm 2019 GDP bình quân đầu người xếp thứ 120/187 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1993; Thái Lan năm 2003; Indonesia năm 2010; Trung Quốc năm 2009 và Hàn Quốc thập niên 90 của thế kỷ trước.
Tính đến năm 2019, GDP bình quân đầu người của Thái Lan gấp 2,3 lần Việt Nam; Malaysia gấp 3,5 lần; Indonesia và Philipines cũng là những quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp nhưng gấp Việt Nam lần lượt là 1,5 lần và 1,1 lần; riêng Hàn Quốc thuộc nhóm nước có thu nhập cao với GDP bình quân đầu người gấp Việt Nam 5,7 lần, GSO thông tin.
Đến cuối năm 2019, cơ cấu 3 khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của Thái Lan đạt lần lượt là 8%, 33% và 58,6%; Philipines là 9%, 30% và 61%.
So với các nước trong khu vực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP của Việt Nam vẫn còn cao. Tỷ trọng khu vực này năm 2019 của Malaysia là 7%; Philipines 9%; Thái Lan 8%; Indonesia 13%; Trung Quốc 7%; Hàn Quốc 2%.
Theo nhận định của GSO, cơ cấu kinh tế tuy có thay đổi theo hướng tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ “mũi nhọn” như tài chính, tín dụng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp. So với các nước trong khu vực, trừ những nước có khu vực kinh tế công nghiệp phát triển mạnh như Singapore và Hàn Quốc, các nước có cùng xuất phát điểm là sản xuất nông nghiệp giống Việt Nam, như Thái Lan, Philipines, Indonesia, Ấn Độ đã có cơ cấu kinh tế khá tốt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận