Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam đang thua nhiều nước trong khu vực
Năng suất của nền kinh tế Việt Nam được cho là thấp, tính đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh chưa cao và các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được lợi thế so sánh cần thiết.
Đây là một trong những phát hiện chính trong Báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam”, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố.
Báo cáo cho biết, chỉ số cạnh tranh công nghiệp, xuất khẩu công nghiệp chế tạo và chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Việt Nam trong những năm gần đây đã liên tục được cải thiện so với các nước trong khu vực.
Trong một số chỉ tiêu (như tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị đầu ra hoặc doanh thu và RCA) Việt Nam vượt trội so với Ấn Độ và Bangladesh.
Tuy nhiên, trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh.
Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, 1/3 của Indonesia và Philippines,1/2 của Ấn Độ và Thái Lan, và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.
Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên ưu tiên nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo như một phần không thể thiếu trong các cải cách về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và chính sách thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo GS, TS Đặng Nguyên Anh- Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 3.000 USD vào năm 2020, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào mà bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất.
“Các động lực tăng trưởng đã giúp Việt Nam đạt được kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay như tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ... đang tiến dần đến trần giới hạn. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp”- ông Đặng Nguyên Anh nói.
Theo đó, Việt Nam cần chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI, đồng thời phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên các mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu.
Bà Caitlin Wiesen- Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho hay: “Nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm.
Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể xác định các nút thắt cổ chai kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành và có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này”.
Theo bà Wiesen, cần có nền tảng kết nối Chính phủ, các doanh nghiệp FDI và trong nước theo cách tiếp cận các bên cùng có lợi , nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào xây dựng năng lực sản xuất và doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều hạng mục và dịch vụ do địa phương cung cấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận