menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ly Na

Năng lượng: 'Bài toán khó' của Nhật Bản khi Trung Đông bất ổn

Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng chỉ là nhà cung cấp nhỏ cho Nhật Bản, giao 42.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Cuộc xung đột giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas đã làm dấy lên mối lo ngại mới ở Nhật Bản, quốc gia phụ thuộc nặng nề vào dầu khí ở Trung Đông.

95% dầu thô từ Trung Đông

Nhật Bản, nước mua dầu lớn thứ 4 thế giới, nhập khẩu 95% dầu thô từ Trung Đông.

Trong số 2,75 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) Nhật Bản nhập khẩu trong tháng 8, Arab Saudi (1,14 triệu thùng/ngày) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE (1,12 triệu thùng/ngày) là những nhà cung cấp lớn nhất, trong đó Kuwait chiếm 200.000 thùng/ngày.

Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng chỉ là nhà cung cấp nhỏ cho Nhật Bản, giao 42.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Vào thời điểm lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab năm 1973, Nhật Bản nhập khẩu 77% lượng dầu từ các nước vùng Vịnh. Sự kiện đó đã gây ra lạm phát trong nước và sụt giảm sản xuất hàng hóa.

Sự phụ thuộc vào dầu thô Trung Đông tăng lên đột biến sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, khiến Tokyo quyết định ngừng nhập khẩu dầu của Nga ngay sau tháng 2/2022. Trước đó, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 100.000 thùng/ngày từ Nga - tương đương 4% nhu cầu của nước này.

Nhật Bản cũng là nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, được sử dụng để sản xuất điện và cung cấp khí đốt cho thành phố, đồng thời danh mục cung ứng của nước này cân bằng hơn.

Khoảng 40% trong số 5,7 triệu tấn LNG được Nhật Bản nhập khẩu trong tháng 8 đến từ Australia, trong khi 12% đến từ 3 quốc gia Qatar, Oman và UAE.

Nguồn thay thế hạn chế

Do phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ Trung Đông, nên khi chiến tranh Israel - Palestine nổ ra tại Dải Gaza, Nhật Bản tỏ ra vô cùng thận trọng, đồng thời phải đối mặt với bài toán khó về việc tìm nguồn cung năng lượng thay thế các nhà cung cấp Trung Đông, đặc biệt là với mặt hàng dầu thô.

Nhìn chung, Tokyo có thể tìm kiếm thêm nguồn cung từ Mỹ hoặc xin phép các quốc gia G7 mà họ là thành viên, để mua dầu thô của Nga trên mức giá trần 60 USD do nhóm đặt ra.

Nhật Bản cũng có thể tìm cách mua dầu trên thị trường giao ngay, mặc dù nguồn cung sẵn có sẽ thắt chặt mạnh đối với tất cả những người mua như vậy nếu các chuyến hàng từ Trung Đông bị gián đoạn.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn trong thời gian ngắn, Nhật Bản có thể khai thác nguồn dự trữ khổng lồ của mình, đạt tổng cộng 480 triệu thùng vào cuối tháng 8, tương đương 236 ngày.

Dữ liệu METI cho thấy tồn kho LNG do các công ty điện lực lớn của Nhật Bản nắm giữ, một chỉ số chính về mức tồn kho, ở mức 2,23 triệu tấn tính đến ngày 22/10, cao hơn mức trung bình 5 năm là 2,01 triệu tấn vào cuối tháng 10.

Giảm nhu cầu

Đối với khí đốt tự nhiên, Nhật Bản đã giảm nhập khẩu khi khởi động lại các nhà máy hạt nhân đã đóng cửa sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Nhật Bản đã khởi động lại 12 lò phản ứng hạt nhân - một số trong số đó đang được bảo trì theo kế hoạch - với tổng công suất gần 12 gigawatt (GW), trong số 33 lò phản ứng mà Nhật Bản đang xem xét khởi động lại. Mỗi gigawatt điện hạt nhân tương đương với một triệu tấn LNG mỗi năm.

Nhật Bản gần đây cũng đã giảm nhập khẩu LNG bằng cách bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.

Nhìn chung việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba, đang giảm dần.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu xăng dầu của Nhật Bản giảm xuống 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2021 từ mức 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2010, và dự kiến ​​sẽ giảm thêm xuống 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2030, do dân số nước này giảm và nền kinh tế chuyển sang phát thải thấp hơn.

Nhật Bản cũng có kế hoạch cắt giảm mức sử dụng LNG trong ngành điện xuống 20% ​​vào năm 2030 từ mức 37% vào năm 2019 nhưng đặt mục tiêu tiếp tục nhập khẩu nhiên liệu mà nước này coi là nguồn năng lượng chuyển tiếp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại