24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nâng hạng thị trường chứng khoán để thu hút nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?

Động lực nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.

Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp trích ý kiến của bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nâng hạng thị trường chứng khoán - mục tiêu năm 2025 và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

I. Tổng quan Thị trường chứng khoán Việt Nam

TTCK năm 2020 cũng có rất nhiều cảm xúc khi mà tại thời điểm dịch bùng phát, nhà đầu tư ngoại rút vốn, thanh khoản giảm, thị trường liên tục giảm sâu, đặc biệt trong giai đoạn tháng 3/2020 (thời điểm ngày 22/3, VN Index chỉ đạt 659.21 điểm), một số ý kiến còn cho rằng cần tạm dừng giao dịch để thị trường ổn định hơn. Tuy nhiên, sau đó từ giữa năm 2020, TTCK đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, quy mô nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng cao nhất trong lịch sử và đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh.

Tính đến cuối tháng 2/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.168,47 điểm, tăng 5,9% so với cuối năm 2020. Vốn hóa thị trường đạt 5.681 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm 2020, tương đương 90,3% GDP; giá trị giao dịch bình quân đạt 18.853 tỷ đồng/phiên, tăng 154% so với mức trung bình của năm 2020. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đang trong mức cao nhất kể từ khi thị trường thành lập tới nay và vẫn đang tiếp tục tăng lên[1].

Về huy động trên TTCK, tổng mức huy động năm 2020 ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019, trong đó huy động qua phát hành cổ phiếu giảm, qua cổ phần hóa tăng nhẹ; riêng huy động trái phiếu tăng mạnh, cụ thể: trái phiếu Chính phủ tăng gần 350.000 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao (gần 14 năm) và lãi suất phát hành bình quân đạt thấp hơn 0,78%-1,45% so với mức năm 2019 (2,83%); Trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận một năm phát hành kỷ lục (39.895 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi - mức tương đương với quý IV/2019. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng và có tiềm năng phát triển sau đại dịch.

Về thị trường chứng khoán phái sinh được mở cách đây hơn 3 năm cũng có mức tăng trưởng rất nhanh và ngày càng phát huy vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần làm tăng thanh khoản trên thị trường cổ phiếu cơ sở. Trong năm 2020, giao dịch của hợp đồng tương lai trên chỉ số sôi động, thanh khoản tăng gần 80% so với năm 2019; khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân năm 2019. Tính tại thời điểm 31/12/2020, khối lượng mở OI toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019.

Có thể thấy, với mức sự phục hồi của nền kinh tế bên cạnh mặt bằng lãi suất duy trì thấp; cùng niềm tin của nhà đầu tư vào tình hình vĩ mô, các biện pháp cải cách của Chính phủ đã giúp dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán thời gian qua; TTCK có những bước phát triển lớn, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển TTCK được nêu tại Quyết định 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 mà một trong những mục tiêu quan trọng là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi (Emerging Markets) trước năm 2025.

II. Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài

Hiện nay, trong số các tổ chức xếp hạng thị trường mà tiêu biểu là MSCI và FTSE Russel thì MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên, trong khi đó FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. UBCKNN cũng có nhiều buổi làm việc với MSCI, FTSE Russell để trao đổi, chia sẻ, làm rõ các thông tin liên quan đến TTCK Việt Nam.

Theo bộ tiêu chí FTSE Russell (cập nhật tháng 9/2020), TTCK Việt Nam để thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Tiêu chí “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “Hạn chế” do NĐT phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và tiêu chí “Thanh toán – Tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá do yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.

Xét theo tiêu chí của MSCI, Việt Nam vẫn còn 7/17 tiêu chí cần phải cải thiện. Nếu so với Kuwait mới được nâng hạng năm 2020, Việt Nam vẫn còn 5 tiêu chí còn phải cải thiện để có thể nâng hạng. Trong báo cáo tháng 6/2020, các tiêu chí mà Việt Nam cần cải thiện gồm: (1) Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; (2) TTCK bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; (3) Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan thông tin Tiếng Anh và room sở hữu; (4) Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; (5) Đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD; (6) Quy định thị trường và dòng thông tin bằng Tiếng Anh và (7) Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền. Tại báo cáo này, MSCI đã có điều chỉnh trong đánh giá về Việt Nam đối với mục thanh toán bù trừ (Clearing and settlement).[2]

Ngoài ra, từ ngày 1/12/2020, việc MSCI đưa Kuwait lên thị trường mới nổi là một yếu tố tích cực đối với TTCK Việt Nam khi trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index. Các quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên (Frontier Markets) như: Schroder ISF Frontier Markets Fund, Coeli Frontier Markets Fund, T.Rowe Price Frontier Markets Fund đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Vị thế của TTCK Việt Nam được đánh giá cao hơn sẽ là một nhân tố thuận lợi cho tiến trình nâng hạng thị trường.

Từ ngày 1/1/2021, hệ thống văn bản pháp luật mới về chứng khoán, đầu tư, doanh nghiệp đều cùng có hiệu lực (các Luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Chứng khoán cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện hơn. Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hóa trên TTCK, tăng cường minh bạch và công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn cả trong và ngoài nước, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; mở rộng dịch vụ cho khối kinh doanh chứng khoán... sẽ tác động sâu rộng và mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch mới và hệ thống thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm (CCP) vận hành trên nền tảng công nghệ của Hàn Quốc dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2021, là cơ hội để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc đối với yêu cầu về thanh toán bù trừ hiện nay của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Về việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, với các quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài (nhà ĐTNN) sẽ được mở hơn nữa. Cụ thể, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư đang trình Chính phủ ban hành, số lượng ngành, nghề tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được rút ngắn khá nhiều. Cùng với đó, danh mục sẽ cụ thể các điều kiện đối với nhà ĐTNN (trong đó có điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ) trên cơ sở tổng hợp điều ước quốc tế, pháp luật chuyên ngành.

Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng đã cụ thể quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo hướng thống nhất với pháp luật đầu tư; bổ sung các quy định đặc thù về biện pháp kỹ thuật trong ứng xử với các tổ chức có trên 50% vốn điều lệ của nhà ĐTNN trên TTCK (việc đăng ký mã số giao dịch của tổ chức kinh tế), cụ thể nghĩa vụ công bố thông tin về sở hữu nước ngoài tối đa của công ty đại chúng, tạo điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn cho nhà ĐTNN về vấn đề này.

Bên cạnh đó, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK gắn với phát triển bền vững, minh bạch; trong đó một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK - thị trường vốn về dài hạn, nhằm hiện thực mục tiêu nâng hạng TTCK.

Tuy vậy, việc nâng hạng TTCK không phải là câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường, chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực thị trường chứng khoán, là cái gốc của nâng hạng.

Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng thị trường như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp; cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp... Đây là những công việc cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị; và đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành.

Ngoài ra, bối cảnh TTCK hội nhập sâu, rộng với TTCK quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) vừa tạo ra rất nhiều cơ hội để phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả hơn, phục vụ được nhiều khách hàng hơn với chi phí thấp hơn, nhưng cũng mang tới nhiều rủi ro, thách thức mà cơ quan quản lý và thị trường phải đối mặt, nhất là các rủi ro về hệ thống, rủi ro mô hình kinh doanh, rủi ro an ninh mạng. Điều này đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức thị trường và doanh nghiệp phải có các kịch bản, giải pháp, tầm nhìn mang tính dài rộng hơn.

Có thể thấy, chúng ta đang bước sang thập kỷ mới với nhiều kỳ vọng. Cả doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đang nhìn thấy cơ hội rất lớn cho sự phát triển của TTCK Việt Nam với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, nâng hạng thị trường chứng khoán hay nâng tầm TTCK là câu chuyện làm sao để tạo ra những thay đổi mang tính tổng thể và bền vững cả về góc độ mở cửa nền kinh tế, thị trường ngoại hối và chất lượng của các doanh nghiệp đại chúng, tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, tính minh bạch của thị trường... Đó là đích đến và quá trình nỗ lực để tới đích sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả