menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Việt Anh

Nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực để không bỏ ai lại phía sau

Chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng có thể tăng thất nghiệp. Một con robot có thể thay thế hàng trăm công nhân, tác động lên xã hội cả các ngoại ứng tích cực và tiêu cực là không nhỏ.

Thu hút FDI phẩm chất cao có thể nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhưng lại ít khả năng tạo thêm việc làm, thậm chí là tăng tỉ lệ thất nghiệp. Như vậy, để chuẩn bị cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu ngoài vấn đề về vốn, chiến lược của ngành giáo dục và đào tào cần điều chỉnh theo mục tiêu phát triển để nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi, chính sách phúc lợi phải được nâng cao và sẵn sàng như là cơ chế bù đắp một phần cho những người bị thua thiệt trong quá trình nâng cấp công nghiệp và điều chỉnh thương mại qua chính sách trợ cấp thất nghiệp; y tế và giáo dục công phải được đảm bảo tính bình đẳng đầu vào và nâng cao phẩm chất phục vụ, và thậm chí đảm bảo cả thu nhập tối thiểu đủ sống cho người lao động.

Thất nghiệp ở mức vừa phải cũng có lợi cho các điều chỉnh kinh tế. Mặt kia của Sáng tạo là tàn phá cái cũ, thành ra thất nghiệp là "đặc sản" của nền kinh tế tư bản phát triển. Ngược lại, ưu tiên ổn định chính trị việc làm và toàn dụng lao động trong những lĩnh vực cũ kỹ sẽ cản trở sáng tạo đổi mới nền kinh tế. Tín dụng đặc thù cho giáo dục và đào tạo là cần thiết cho nhu cầu phát triển lâu dài. Chi tiêu vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là hướng đến nhóm đối tượng thu nhập thấp nhưng có nhu cầu học tập cao. Nếu chính sách này được triển khai thì sẽ đạt được lợi ích kép. Bởi, không những góp phần kích cầu tiêu dùng giáo dục, mà còn giúp nâng cao kỹ năng, trình độ của lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu nâng cấp nền kinh tế trong tương lai.

Đầu tư hay chi tiêu cho giáo dục và hạ tầng nếu làm đúng, sẽ không bao giờ sợ "lỗ". Hiện cơ cấu lao động của Việt Nam: nông nghiệp: 44,3%, công nghiệp: 22,9%, dịch vụ: 32,8%. Vấn đề là Việt Nam dường như đang bỏ qua giai đoạn công nghiệp hoá, tiến tới nền kinh tế dịch vụ hoá, nhưng là dịch vụ cấp thấp. Như vậy, về lâu dài sẽ là trở lực gia tăng năng suất lao động. Trong đó, hơn 18 triệu lao động có việc làm phi chính thức trên tổng số 55 triệu lao động. Như vậy, đầu tư cho nâng cấp và tăng trưởng chất lượng lao động trong khu vực nông nghiệp và chuyển dịch sang khu vực công nghiệp là điều cấp thiết, khu vực càng ngày có xu hướng bị dịch vụ lấn át. Có thể thấy, dư địa tăng trưởng của Việt Nam là vẫn còn, một khi có thể thực hiện hiệu quả hai việc cùng lúc là nâng cấp lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp lớn để vừa tăng được sản lượng, nâng cao chất lượng nông phẩm, đồng thời giảm bớt việc làm trong ngành này để chuyển sang lĩnh vực công nghiệp trong quá trình phát triển sẽ thiếu hụt lao động. Nhưng việc này không bao giờ là những yếu tố riêng lẻ, nó phải thực hiệu đồng bộ với những kế hoạch và chính sách hỗ trợ nâng cấp nguồn nhân lực từ phía nhà nước, nâng cấp luật đầu tư FDI để giảm thiểu tác hại môi trường và nâng cao chất lượng đô thị hoá các đô thị vệ tinh - đô thị đệm giữa các đô thị lớn và nông thôn để chuyển dịch một phần lao động nông thôn sang ngành dịch vụ đô thị.

Như vậy, việc cải thiện nguồn vốn con người phải tương xứng với tích luỹ nguồn vốn vật chất và nâng cấp công nghiệp của nền kinh tế, cũng như giải quyết được bài toán nguồn vốn cho tăng trưởng, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Việc nâng cấp nguồn nhân lực phải đi trước nhu cầu đổi mới kỹ thuật, kinh doanh trong dài hạn. Nếu không thì nguồn vốn con người sẽ trở thành một hạn chế ràng buộc đối với sự phát triển kinh tế nếu không được cung cấp đầy đủ do thiếu đầu tư, hoặc đất nước sẽ có một lực lượng đông đảo những lao động trẻ được đào tạo, nhưng trình độ và kỹ năng trên thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Thành ra vừa thất nghiệp vừa mang tâm trạng thất vọng, vừa để tuột cơ hội vào nguồn nhân lực nhập khẩu mà có thể trở thành xu hướng không tránh khỏi trong tương lai.

Những cử nhân, thạc sĩ chạy xe ôm công nghệ trong một nền kinh tế tự hào là tăng trưởng nhanh là nghịch lý xã hội không thể biện minh. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhân sự cấp trung và cả cấp cao từ các nước "chủ nợ" và là nơi xuất phát của lao động xuất khẩu "giá bèo".

Như báo chí đã đưa tin, trong thời gia qua nhân sự trung cấp đến cao cấp Hàn Quốc qua Việt Nam cạnh tranh với nhân sự trong nước phản ảnh sự dịch chuyển tự do toàn cầu, sau tự do thông tin và tự do dòng luân chuyển vốn. Việc này không chỉ nhập khẩu bất bình đẳng thu nhập cho những quốc gia đang phát triển “nhập khẩu” lao động trình độ cao như Việt Nam, mà còn cản trở lộ trình thăng tiến của lao động nội, làm chậm lại tiến trình học tập của những quốc gia nghèo hơn như Việt Nam. Reuters cho biết, các chương trình dạng này đều do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, với mong muốn giúp người trẻ Hàn tìm được công việc tốt ở khắp nơi trên thế giới. Điển hình là chương trình K-move, được thành lập để kết nối sinh viên Hàn với các doanh nghiệp ở trên khắp 70 quốc gia.

Đây là xu hướng tất yếu. Và như vậy, nếu không có chiến lược nâng cấp nguồn nhân lực tầm quốc gia ngay từ "hôm qua", tương lai năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị đe doạ không chỉ bởi sự thiếu hụt tầng lớp công nhân kỹ thuật lành nghề, mà tầng lớp quản lý cấp cao cũng sẽ bị giới "expat" quốc tế lấn át.

Điều muốn nói là, tự do hoá thị trường tài chính là cần thiết cho phát triển, nhưng tự do hoá cùng với pháp luật yếu kém là sự kết hợp thảm hoạ. Ngày nay, một dân tộc dù không còn là thuộc địa về mặt chính trị, nhưng vẫn có thể trở thành thuộc địa về mặt trí tuệ, và tệ hơn, là trở thành thuộc địa về tài chính. Chính vì vậy, thách thức và cơ hội của chính phủ là làm sao phát triển được thị trường nợ trong nước, khai thác được nguồn lực trong nước cho đầu tư phát triển sẽ an toàn hơn là phải dựa nhiều vào vốn vay quốc tế.

Thể chế yếu kém tất yếu sẽ dẫn đến lệ thuộc tài chính. Các thế lực nước ngoài có thể dùng tiền hối lộ để thao túng quan chức, dùng nợ quốc gia để kiểm soát chính quyền. Một quốc gia lệ thuộc tài chính đương nhiên sẽ bị mất đi chủ quyền kinh tế (rồi đến chính trị); các yếu tố đầu vào sản xuất như năng lượng, nguồn vốn, nguyên vật liệu...sẽ bị khống chế và kiểm soát bởi những chủ nợ nước ngoài. “Bẫy nợ” kiểu TQ được dùng để kiểm soát những thuộc địa tài chính nhằm đạt những mục tiêu cuối là biến những quốc gia nợ nần trở thành thuộc địa chính trị. Nhưng ở những nơi thị trường tài chính được tự do hoá cao, nếu không tỉnh táo, thì khi nền kinh tế suy yếu những doanh nghiệp lớn nội địa sẽ đối diện với nguy cơ bị thâu tóm bởi nước ngoài và một nền kinh tế chỉ có những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì quốc gia ấy sẽ không bao giờ trở nên hùng cường được.

Không chỉ nguy cơ trở thành thuộc địa tài chính, với người dân một nước thì chủ nghĩa dân tuý với tư bản thân hữu là sự kết hợp thảm hoạ cho dân tộc. Bởi, không chỉ khiến nền kinh tế mắc kẹt ở "bẫy thu nhập trung bình", mà còn có nguy cơ kéo lùi văn hoá, đạo đức thị trường (xã hội thị trường), tha hoá đạo đức quan trường; mafia hoá công quyền.

Đổi mới để tránh "bẫy" phải luôn dựa vào hai yếu tố: Nguồn lực và Động lực đổi mới. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó, quá trình Đổi mới sẽ không thể thành công.

Nguồn lực lớn mạnh nhất phải đến từ bên trong.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Phạm Việt Anh

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại