Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt: Áp dụng hệ thống khuyến khích “người thắng”
Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước những thời cơ và thách thức từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, giới doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, áp dụng hệ thố
Việt Nam tăng trưởng tốt nhờ sức bật doanh nghiệp
Sáng nay, 29/10/2020, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Báo Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại thế hệ mới FTA.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia và doanh nghiệp một lần nữa cùng khẳng định việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất khẩu được mở rộng, thị trường đa dạng hơn và trong nước cũng có sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng tăng thêm sức ép cải cách trong nước, thể chế, chính sách từng bước được hoàn thiện…
Các chuyên gia và các đơn vị chức năng và đại diện các tổ chức xã hội cùng Mặt trận Tổ quốc tham dự Diễn đàn này cũng một lần nữa khẳng định hàng Việt đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu bày bán trên quầy kệ. “Hàng Việt ở Co.opmart chiếm 90-93%, ở Vinmart là 96% và ở Satra là 90-95%, ở Hapro là 95%...”, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Việt Nam đã ký 13 FTA. Cơ hội mở ra nhiều, nhưng ai cũng đã biết thách thức không hề nhỏ, trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vừa thiếu tiềm lực tài chính, kém về công nghệ, yếu về cạnh tranh. Các doanh nghiệp cho biết hàng Việt đang đối diện nguy cơ cạnh tranh trực tiếp với nhiều bất lợi và khó khăn. Hàng xuất khẩu nhiều của Việt Nam là nông sản, thủy sản… thì đây cũng chính là những ngành có sức cạnh tranh yếu.
Dù xuất phát điểm thấp và năng lực yếu nhưng doanh nghiệp Việt lại luôn linh hoạt, sáng tạo và có sức sống dẻo dai. Nhờ đó nhiều năm qua hàng Việt đã tiến tới thị trường toàn cầu. Và đại dịch COVID-19 lại một lần nữa khẳng định điều này.
“Trong bối cảnh cả thế giới khó khăn nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương chứng tỏ Việt Nam có năng lực đi ngược chiều tiêu cực của thế giới và đã chứng minh sức chống chịu của nền kinh tế. Có được kết quả như thế là nhờ ở sức bật của doanh nghiệp nội địa và khẳng định vai trò của lực lượng doanh nghiệp nội địa”, PGS.TS.Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu.
Chia sẻ về kế hoạch, bước đi và chiến lược để phát triển ngày một tốt hơn trong bối cảnh thị trường ngày càng có nhiều người tham gia hơn, cạnh tranh khắc nghiệt hơn, người tiêu dùng khó tính hơn, ông Lương Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt - Tiệp cho biết, doanh nghiệp luôn có tâm thế sẵn sàng hội nhập. Doanh nghiệp này đã luôn đổi mới công nghệ theo hướng thông minh, tự động hóa, sản phẩm phải vượt qua được những yêu cầu khắt khe nhất của những thị trường cao cấp như EU. QR code được áp dụng để khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng…
Từ một doanh nghiệp đã hội nhập và sẵn sàng hội nhập, vị chủ tịch của Khóa Việt - Tiệp cho biết, việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại các lợi thế và thách thức cho doanh nghiệp cả về kinh tế và pháp luật. Để tận dụng được lợi thế mà các FTA mang lại và hạn chế thách thức mà FTA đặt ra thì cần nỗ lực của nhiều bên và của nhiều chủ thể khác nhau.
Nhưng chốt lại, ông Lương Văn Thắng đề nghị: “Để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hàng Việt trước những thời cơ, thách thức từ hiệp định thương mại thế hệ mới, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách, để doanh nghiệp phát triển tốt, hơn, cạnh tranh tốt hơn”.
Đoạn tuyệt với “xin-cho”
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn là một lực lượng đông nhưng nhỏ và yếu, theo PGS. Trần Đình Thiên, và quan trọng hơn là doanh nghiệp Việt không lớn được.
Từ thực tế của một doanh nghiệp xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, lại hoạt động trong lĩnh vực dược - một lĩnh vực dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất ngờ của thị trường, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT của Công ty Dược Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt.
“Theo Vietnam Report, trong 1 năm từ 11/2017 đến 12/2018, chỉ có 12,6% số doanh nghiệp dược có tần suất xuất hiện tối thiểu 1 lần/tháng trong đó chủ yếu là doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán”, ông Lê Văn Sơn dẫn số liệu. Chủ tịch của Dược Việt Nam nhấn mạnh quảng bá thương hiệu tốt cũng là một cách để người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm.
Trong khi phải cạnh tranh khắc nghiệt với đối thủ mạnh thì hàng Việt còn phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt hàng Việt… mà vấn đề này chỉ đơn thương doanh nghiệp thì không thể ngăn chặn được. Doanh nghiệp rất cần nhà nước hỗ trợ cụ thể hơn với các biện pháp mạnh mẽ hơn, bà Nguyễn Thị Đông – Giám đốc một công ty sản xuất hóa mỹ phẩm cho biết.
Các giải pháp cụ thể, các khuyến nghị chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt đã được nêu lên tại Diễn đàn này. Nhưng tựu chung lại vẫn là phải để doanh nghiệp Việt lớn hơn, khỏe hơn, vững vàng hơn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết thực hơn, chính sách cần được thực thi tốt hơn, nhà nước cần cải cách mạnh hơn để giảm mọi chi phí có thể cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cần có một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, một không gian “công khai, minh bạch” là điều doanh nghiệp cần.
Và ở tầm vĩ mô, PGS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Cần nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa và nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin – cho”. Có được môi trường cạnh tranh công khai minh bạch sẽ thoát khỏi rất nhiều nỗi lo hiện tại của doanh nghiệp Việt.
Ông cũng đề nghị áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”. Sự thay thế này sẽ giúp kích thích tinh thần đua tranh giành thắng một cách đàng hoàng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận