menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Hoàng Sơn

Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA

Để tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan FTA, VCCI kiến nghị Bộ Công thương thành lập ngay Tổ Công tác về Quy tắc xuất xứ theo các FTA, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới q

5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thị trường lớn tiếp tục có những bước mở rộng như Hoa Kỳ đạt kim ngạch 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,6%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%... Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu tương đối thấp, thậm chí còn có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây, từ 39% năm 2018 xuống còn 33% năm 2020. Đặc biệt là các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA) tỷ lệ sử dụng còn thấp hơn.

Lý do chủ yếu của tình trạng này được cho là do doanh nghiệp không hiểu rõ về quy tắc xuất xứ, hoặc có thắc mắc cần tư vấn về cách thức đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ nhưng không tìm được đầu mối để có câu trả lời kịp thời, chính xác. Bên cạnh đó, một số quy tắc xuất xứ cam kết được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng, tận dụng; ngôn ngữ trong các Thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA tương tự ngôn ngữ trong cam kết FTA, không dễ hiểu, luôn cần được giải thích bởi cán bộ của Bộ Công thương (chủ thể duy nhất ở Việt Nam có đủ chuyên môn để giải thích chính xác và có hiệu lực).

Tự chứng nhận xuất xứ cũng được xem là công cụ quan trọng để tăng hiệu quả tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA. Việt Nam cũng đã cam kết về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, nhưng có bảo lưu về thời gian thực hiện đối với trường hợp chứng nhận của nhà sản xuất xuất khẩu Việt Nam trong một số FTA gần đây. Song trên thực tế ngoại trừ 5-6 doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ theo mô hình thử nghiệm trong ASEAN (ATIGA), Việt Nam chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với bất kỳ FTA nào.

Việc bảo lưu chưa thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo FTA được cho là cần thiết để các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam liên quan có đủ thời gian để nâng cao năng lực, làm quen với cơ chế tự chịu trách nhiệm… Cách tiếp cận thận trọng này là phù hợp trong thời gian trước đây, khi chỉ có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ và vì vậy chưa kiểm chứng được tác động thực tế.

Tuy nhiên, từ năm 2020, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi EU theo GSP đã triển khai tự chứng nhận xuất xứ theo yêu cầu của EU (hệ thống REX). Kết quả thực tế cho thấy doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể từ cơ chế tự chứng nhận xuất xứ này và cũng không có bất cập nào lớn được nhận diện trong thời gian qua. Điều này cho thấy, việc áp dụng tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu theo các FTA ở Việt Nam hiện tại là hoàn toàn khả thi.

Do vậy, để tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan FTA, VCCI kiến nghị Bộ Công thương thành lập ngay Tổ Công tác về Quy tắc xuất xứ theo các FTA, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.

Theo đó, thông tin liên lạc của Tổ Công tác được công bố công khai, rộng rãi để các doanh nghiệp đều biết và có thể tiếp cận trực tiếp và chính xác đầu mối. Các vấn đề bất cập về chính sách liên quan tới Quy tắc xuất xứ của các FTA cần được định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Công thương để có quyết định điều chỉnh chính thức kịp thời. Đối với các vướng mắc trong thực thi tại các đơn vị cấp chứng nhận xuất xứ, Tổ Công tác trực tiếp xử lý trong thời hạn 1-3 ngày kể từ ngày nhận được thông tin.

Đồng thời VCCI đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu để trình Chính phủ quyết định triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo các FTA ngay trong giai đoạn 2022-2024, trong đó triển khai cơ chế tự chứng nhận trong CPTPP sớm hơn thời hạn 2024/2029 mà Việt Nam bảo lưu theo cam kết; Triển khai cơ chế tự chứng nhận trong EVFTA, UKVFTA đồng thời với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP.

VCCI cũng chỉ ra chi phí logistics nội địa chiếm tỷ lệ quá cao trong giá thành sản phẩm (30% giá thành nông sản, 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ…) ảnh hưởng đáng kể tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; lợi thế thuế quan theo các FTA thậm chí không đủ để bù đắp chi phí logistics gia tăng. Trong một vài năm trở lại đây, bất cập này đã được nhận diện rất rõ ràng, nhiều sáng kiến, gợi ý đã được đưa ra nhưng tình hình chưa có cải thiện. Vì vậy, VCCI đề xuất thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng logistics để giải quyết vấn đề này. Trong đó, Tổ Công tác này cần ưu tiên tập trung vào hạ tầng logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông sản; khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (đồng bằng sông Cửu Long).

Trong dài hạn cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả