Nâng cao chất lượng và sự phát triển bền vững ngành thủy sản
Tỉnh Quảng Ngãi tập trung phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng mạnh về kinh tế biển và làm giàu từ biển. Địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến, nâng cao chất lượng thủy sản theo hướng bền vững.
Ngư dân Võ Văn Hân, chủ tàu QNg 90625 công suất 500 mã lực cùng 12 bạn thuyền đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cho chuyến biển dài ngày. Mọi người kiểm tra kỹ lưỡng máy móc, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đúng các thủ tục tại Trạm kiểm soát Biên phòng cảng Sa Kỳ trước khi xuất bến.
Theo ngư dân Võ Văn Hân, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau khi hoạt động trên biển đã giúp bà con làm ăn ngày càng hiệu quả hơn: “Tinh thần đoàn kết của ngư dân thôn Châu Thuận Biển cũng như tất cả bà con xã Bình Châu hồi giờ đã có sự đoàn kết gắn bó. Từ khi có Nghiệp đoàn nghề cá, mang lại sự đoàn kết hơn nữa. Bà con vững vàng hơn khi đánh bắt trên biển, giúp đỡ nhau trong cuộc sống ngoài biển hay về quê hương cũng vậy”.
Xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 480 tàu thuyền với gần 2.000 lao động đi biển. Trong đó, hơn 1.300 ngư dân tham gia Nghiệp đoàn nghề cá. Ông Bùi Hồng Vân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, những năm gần đây, ngư dân đầu tư cải hoán tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác và hoạt động an toàn trên biển.
“Hàng năm, chúng tôi phát động ngư dân thực hiện đúng quy định. Nhân dân xã Bình Châu rất hưởng ứng. Đánh bắt trên biển có sự đoàn kết và thống nhất. Vào mỗi quý, thời điểm vắng biển, chúng tôi họp ngư dân để tuyên truyền về quy định đánh bắt, khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản, thực hiện đúng quy trình đánh bắt, quy chế của Nghiệp đoàn nghề cá” - ông Bùi Hồng Vân nói.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.500 tàu cá, trong đó hơn 3.200 tàu khai thác xa bờ. Địa phương đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, khuyến khích ngư dân tham gia các mô hình tổ chức tập thể, doanh nghiệp, tập đoàn.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi khẳng định, địa phương khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất khai thác, nuôi trồng - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản, tạo điều kiện cho nghề cá phát triển bền vững.
“Việc đầu tư nâng cấp cảng cá đáp ứng được nhu cầu lên cá, cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho chuyến biển của ngư dân. Qua đó, thu hút được tàu cá về địa phương, các ngành nghề dịch vụ hậu cần trên bờ như đóng tàu, thu mua hải sản, cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, đá lạnh… Các ngành nghề liên quan sẽ phát triển theo” - ông Nguyễn Văn Mười nói.
Thực hiện Chương trình phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 5% - 6%/năm; Giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2030 đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi đặt ra lộ trình đến năm 2030, giảm mạnh số tàu cá khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, khuyến khích chuyển đổi sang các nghề khai thác thân thiện với môi trường.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương phát triển ngành thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác, tăng tỷ trọng nuôi trồng, nâng cao chất lượng thủy sản theo hướng bền vững.
“Để nâng cao giá trị gia tăng của khai thác hải sản, tỉnh Quảng Ngãi đang định hướng giảm tàu công suất nhỏ, giảm khai thác gần bờ, vùng lộng và tăng cường khai thác vùng khơi. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, công nghệ, bảo quản sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu thì khi đó đem lại giá trị gia tăng của sản phẩm khai thác lớn, thu nhập của ngư dân cũng cao hơn” - ông Hồ Trọng Phương cho biết thêm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận