Nản lòng 'mỗi tháng mua một chỉ, có 36 cây vàng dưỡng già'
Mua vàng để dưỡng già là câu chuyện của 20 năm trở lên.
Tác giả Linh Anh cho rằng mình đã sai lầm khi mua vàng để dưỡng già, vì sau hai năm, khi ngồi tính toán thì chỉ lời được 400 nghìn đồng. Nhiều độc giả đã bình luận xung quanh vấn đề này.
Độc giả Hoàng Chí Dũng cho rằng vàng là tài sản tích luỹ cho quãng thời gian từ 10 đến 20 năm trở lên:
"Vàng thật sự là tài sản để tích trữ phòng cơ trong thời gian lâu dài trên 10 đến 20 năm trở lên. Tôi trải qua thời kì 2007, nếu với số tiền đó tôi gửi tiết kiệm, thì đến nay tôi chỉ có thể nhân đôi tài khoản, nhưng nếu mua vàng thì tài sản có thể nhân 10 lần (từ 650 nghìn lên 6,5 triệu đồng). Còn nếu mua đất thời điểm đó thì ít nhất tài sản cũng gấp 20 lần.
Như vậy ít nhất có thể thấy giữ vàng giúp tài sản không bị giảm nhiều do lạm phát. Còn về bất động sản, có người bạn tôi, may mắn khi mua đất 2005, với giá 1,2 triệu đồng một m2, thì tại thời điểm hiện tại, trong thời bất động sản suy giảm hiện nay mà có người tới trả 100-120 triệu đồng một m2. Tức là tăng ít nhất 100 lần".
Bạn đọc có nickname tjenanh0123 đồng quan điểm, đồng thời cho rằng vàng không bị biến động giá nhiều như Bitcoin, cổ phiếu:
"Mua vàng tích lũy nó là một chặng đường dài, nếu như so sánh trong thời gian ngắn thế thì không thể thấy được hiệu quả đâu bạn. Trường hợp của bạn giải thích như sau: đó là thời điểm bạn mua là thời điểm "tiền rẻ", các ngân hàng trung ương bơm tiền làm giá các tài sản bị đẩy lên cao như vàng, cổ phiếu, đất, tiền kỹ thuật số...
Nếu bạn biết xem biểu đồ vàng sẽ thấy, trước thời điểm Covid-19 giá vàng miếng SJC quanh quanh 40 triệu đồng lượng, nhưng bây giờ đã gần 70 triệu đồng lượng. Đặc biệt vàng không bị mất giá quá nhiều từ mức đỉnh như các loại tài sản khác: Bitcoin từ 69 nghìn USD xuống đáy 17 nghìn USD, hay như cổ phiếu có những cổ lỗ 70-80%, đất thì đóng băng.
Để bạn thấy mỗi phương thức tích lũy hay đầu tư đều có những ưu điểm và nhược điêm. Vàng không tăng giá phi mã nhưng nó đảm bảo tiền của bạn không bị lạm phát bào mòn. Ít nhất cho tới khi có một loại tài sản nào có thể thay thế được vàng trong vấn đề dự trữ".
Độc giả FunnyGame: "Để dự đoán tương lai thì có thể nhìn lại lịch sử một chút. Chuyện nghỉ hưu là chuyện của 20, 30 thậm chí có thể là 40 năm nữa (nếu năm nay bạn hơn 25 tuổi). Nếu so sánh giá vàng với cách đây 20 năm thì vàng đã lên đâu đó tầm 9,10 lần so với năm 2002, và giá vàng sẽ có những giai đoạn tăng đột biến (2009-2012, 2019-2021) sau đó lại lững thững, thậm chí giảm.
Khi lập kế hoạch thì hãy nghiên cứu kỹ, nghe lời tư vấn nhưng đừng làm theo mù quáng, đọc-nghe rồi chọn lọc một phương án phù hợp và quan trọng nhất là hiểu tại sao mình lại làm vậy. Người ta khuyên cho bài toán 20-30 năm, thì bạn không thể mới hai năm mà mong đợi hái quả".
Trong khi đó, độc giả quangminh0804 đưa ra một quan điểm cần lưu ý, đó là "vốn trung bình khi mua vàng" trong thời gian dài cao: "Cái cốt lõi của vấn đề là giá vốn trung bình khi mua vàng quá cao, nếu trải đều trong vòng 5-10 năm giá vàng biến động quá mạnh càng về sau mua thì giá vốn trung bình càng tăng lên thành ra lãi ít, chưa kể khi mua vàng về trữ thì lại tốn chi phí bảo quản (mua két sắt, camera,....) và rủi ro trộm cướp đủ kiểu, còn tiền để ngân hàng thì ít cần phải nghĩ ngợi nhiều chỉ cần quan tâm lãi suất ngân hàng nào cao để mà gửi".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận