Nan giải xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán đang gia tăng trở lại. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc ở cửa khẩu vẫn luôn ám ảnh doanh nghiệp Việt Nam.
Đường bộ: Tắc
Nếu so với thời điểm trước tết có đến 5.000 xe dồn ứ ở cửa khẩu phía bắc thì hiện nay tình trạng này đã bớt căng thẳng. Tuy nhiên, số lượng xe đổ về các cửa khẩu vẫn đang tăng lên hằng ngày và có dấu hiệu ùn tắc trở lại. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), mỗi ngày có bình quân 150 xe đổ thêm về cửa khẩu. Tính đến ngày 11.2, tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa còn tồn trên địa bàn tỉnh là 1.646 xe, tăng 132 xe so với ngày hôm trước. Trong đó, xe còn tồn ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 887 xe, tại cửa khẩu Tân Thanh là 757 xe.
Lý giải về số lượng hơn 1.600 xe hàng tồn tại cửa khẩu sau Tết Nhâm Dần, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, cho biết: “Số lượng hàng hóa từ nội địa đưa lên cửa khẩu thời điểm trong tết, chuẩn bị xuất khẩu trong những ngày đầu xuân. Đặc biệt, sắp tới ngày rằm tháng giêng, nhu cầu mua bán trao đổi của doanh nghiệp (DN) 2 nước rất lớn. Ngoài ra, sau Tết Nguyên đán, các mặt hàng nông sản phía nam tiếp tục vào vụ thu hoạch nên tình hình xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn, có thể tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả sẽ tiếp tục tiếp diễn”.
Xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu đường bộ hiện tại vẫn là lựa chọn khả dĩ của các thương nhân kinh doanh nông sản sang Trung Quốc, nhất là các mặt hàng trái cây, rau quả. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, phân tích: “Để các DN Việt Nam có thể chuyển sang xuất khẩu chính ngạch là việc rất khó khăn. Từ nhiều năm qua, các DN Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ rất rủi ro nhưng bắt buộc vẫn phải đi.
Chưa kể, xuất khẩu chính ngạch sẽ bị áp thuế GTGT 7%, trong khi đi đường biên mậu không cần”.
Đường biển cũng không thông
Trong khi đó, việc chuyển hướng sang đường biển hết sức khó khăn và đã xảy ra không ít trường hợp tranh chấp, khiếu nại bồi thường. Chị Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Trà Thanh Long (TP.HCM), bức xúc: “Trước tết, thấy tình hình tắc nghẽn cửa khẩu đường bộ nghiêm trọng, tôi đã tìm cách liên hệ với hãng tàu biển để xuất khẩu qua cảng Hải Phòng. Vì thiếu container lạnh nên chúng tôi phải lót tay thêm 4 triệu đồng/container và nhiều chi phí ở cảng. Tổng số tiền để đặt được tàu vận chuyển cho 2 container mất đến 270 triệu đồng. Tuy nhiên, một ngày sau khi đến lịch chạy tàu, hãng tàu mới gửi thông báo delay. Lúc này thì chúng tôi hoàn toàn bế tắc vì không xoay trở kịp. Cuối cùng 2 container thanh long đành phải bán đổ bán tháo ở Hà Nội. Bức xúc hơn nữa là số tiền 270 triệu đến nay hãng tàu vẫn không hoàn lại, tiền cọc container rỗng họ cũng không hợp tác để trả lại. Bây giờ thà tôi xuất khẩu đường bộ, tuy chậm hơn nhưng thủ tục cũng như chi phí giảm hơn nhiều, lại không chịu cảnh bị động, luôn bị hãng tàu chèn ép”.
Sau Tết Nguyên đán, các mặt hàng nông sản phía nam tiếp tục vào vụ thu hoạch nên tình hình xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn, có thể tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả sẽ tiếp tục tiếp diễn. Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, cũng cho biết container lạnh đường biển đang thiếu trầm trọng. Nhiều DN phải mua lại container lạnh từ DN khác nên giá tăng gấp đôi, thậm chí 3 - 4 lần so với mức giá thực tế khoảng 4 - 8 triệu đồng một container 20 feet. Ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), cũng đồng tình: Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị dồn từ đường bộ sang đường biển, gây tình trạng quá tải, thiếu container làm phát sinh tình trạng buôn bán chợ đen container lạnh, đẩy giá container lạnh tăng đột biến, giá cước vận tải biển cũng tăng cao khiến DN xuất khẩu gặp khó khăn rất lớn.
Nếu trước đây giá cước vận chuyển một container lạnh chỉ 30 - 40 triệu đồng, nay tăng lên 200 triệu đồng, thêm vào đó chi phí vỏ container lạnh tăng cao khiến chi phí xuất hàng của DN tăng nhiều lần. Lợi nhuận vì thế cũng giảm mạnh, thậm chí có những container hàng hóa, chi phí cho logistics cao gấp 200 - 300% so với giá trị sản phẩm.
Giải pháp nào?
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch với thị trường Trung Quốc là mục tiêu lâu dài. Đối với chính sách Zero Covid của Trung Quốc như hiện nay thì thông quan chính ngạch cả đường bộ, đường biển đều bị chậm, với đường biển còn gặp vấn đề thiếu container rỗng và giá cước tăng phi mã. Do đó, dự báo sau tết, thị trường Trung Quốc vẫn còn rủi ro nên nông dân và DN cần chủ động giảm sản lượng trồng trái vụ, chỉ duy trì khoảng 30 - 40% so với khả năng và tăng cường sản phẩm chế biến từ rau quả để cung cấp cho thị trường này.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, thừa nhận: “Số lượng DN ngành điều xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc các năm trước chiếm từ 80 - 90%. Tuy nhiên, từ năm 2021 thì tỷ lệ xuất khẩu đường biển đã tăng lên đến 60%. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều DN nhỏ xuất bằng đường bộ do năng lực vẫn còn hạn chế”.
Bộ Công thương nhận định, nhiều nông sản Việt Nam chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch). Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và công tác đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn tất, nhiều nông sản đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất vào Trung Quốc, nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây của ta được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng thương mại, logistics) cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương. Kết nối đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc qua 2 cửa khẩu quốc tế đường sắt (Lào Cai - Hà Khẩu và Đồng Đăng - Bằng Tường) chưa đồng bộ khiến đường sắt không thể phát huy đầy đủ vai trò trong vận tải, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm tải cho đường bộ.
Trước tình hình xe chở hàng nông sản tiếp tục bị ùn ứ tại cửa khẩu, bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, chỉ đạo: Hiện năng lực thông quan hàng hóa qua 3 cửa khẩu của tỉnh (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) mỗi ngày chỉ được khoảng 120 xe. Do vậy, các ngành liên quan, các lực lượng tại cửa khẩu tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Cụ thể, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn tiếp tục chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để thống nhất phương thức giao nhận hàng hóa giữa hai bên một cách sớm nhất, đồng thời thống nhất khôi phục hoạt động thông quan một số cửa khẩu khác; tính toán khả năng dung chứa của các bến bãi để kịp thời thông báo tạm dừng đưa xe lên cửa khẩu của tỉnh.
Bà Đoàn Thu Hà đề nghị Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn chủ động khuyến cáo các DN về tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh để các DN nắm bắt để kịp thời điều tiết việc đưa hàng hóa lên cửa khẩu của tỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận