'Nắn' dòng vốn ngoại vào Việt Nam 'chất' hơn!
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng ở những ngành cần thu hút đầu tư với quy mô lớn, chất lượng cao; đồng thời giảm số lượng các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.
Tín hiệu vui để hiện thực hóa mục tiêu!
Những ngày đầu năm 2022, Việt Nam nhận được sự cam kết mở rộng đầu tư của tập đoàn công nghệ đến từ Đức của Bosch. Theo đó, Công ty Công nghệ phần mềm toàn cầu Bosch sẽ mở chi nhánh trung tâm phần mềm mới tại Hà Nội vào tháng 2 tới, sau khi trung tâm tại TPHCM đạt hơn 2.600 kỹ sư trình độ cao. Mục tiêu của Bosch là sẽ nâng đội ngũ kỹ sư phần mềm ở Việt Nam lên hơn gấp đôi vào năm 2025, đạt 6.000 người. Do đó nhu cầu tuyển dụng kỹ sư phần mềm Việt Nam trong thời gian tới là khá lớn.
Trước Bosch, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) để đầu tư xây dựng nhà máy 1 tỉ đô la Mỹ tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy trung hòa các-bon đầu tiên của Tập đoàn LEGO, dự kiến khởi công vào nửa cuối năm 2022.
Trong khi đó, những ngày cuối cùng của năm 2021, nhà đầu tư Excel Smart Global Limited đã đón giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng ở khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tổng mức đầu tư 200 triệu đô la. Tại TPHCM, Công ty Worldwide DC Solution (Singapore) cũng đón giấy chứng nhận đầu tư dự án trung tâm dữ liệu với tổng mức đầu tư 70 triệu đô la tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP).
Còn Công ty Amkor Technology, Inc của Mỹ đang xúc tiến phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn có tổng vốn đầu tư là 1,6 tỉ đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh.
Những dự án đầu tư này đang nối dài danh các dựa án kỹ thuật, công nghệ cao, giá trị gia tăng, tăng trưởng xanh… của các tập đoàn công nghệ đã có mặt ở Việt Nam, những nhà đầu tư như Samsung, LG Display, Intel,…đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất ở Việt Nam.
Với việc Việt Nam công bố các chính sách ưu đãi đầu tư cao hơn vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đặc biệt là các dự án R&D, tới đây, nhiều khả năng vốn đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển nhiều hơn nữa vào các lĩnh vực và ngành hàng có giá trị cao.
Tham dự hội nghị COP26 và thăm chính thức Pháp vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 40 cuộc tiếp xúc và trao đổi với hàng trăm doanh nghiệp châu Âu với những cam kết về các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư quy mô lớn. Có gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thỏa thuận với tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỉ đô la.
Các thỏa thuận hợp tác tập trung trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.
Điều này góp phần để cho dòng vốn đầu tư nước ngoài đi theo đúng định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam là những dự án quy mô lớn, chất lượng hơn, nâng cao giá trị, sản xuất xanh hơn,…
Giảm dần dự án nhỏ, thâm dụng lao động
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng về chất lượng) cũng đã loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.
Năm 2021, số lượng dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu đô la giảm 33,9%, các dự án có quy mô nhỏ dưới 1 triệu đô la giảm 33,2% so với năm 2020.
Trong năm 2021, cả nước dù chỉ có 1.738 dự án FDI được cấp mới, giảm đến 31,1% về số dự án so với năm 2020, nhưng số vốn đăng ký của các dự án mới lại đạt 15,2 tỉ đô la, tăng 4,1% so với năm trước. Điều này cho thấy, các dự án quy mô lớn, chất lượng đang dần thay thế các dự án nhỏ.
Tương tự, trong năm qua cả nước có 985 lượt dự án FDI đang hoạt động đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư (giảm 13,6% so với năm 2020), nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỉ đô la (tăng 40,5% so với 2020). Nhờ vậy mà khép lại năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 31,15 tỉ đô la.
Sau các đợt giãn cách kéo dài vì Covid-19, hiện các hoạt động sản xuất dần quay trở lại. “Giờ đây, với việc bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, chúng ta nên bắt đầu tập trung vào tương lai. Mục tiêu của chúng tôi không còn chỉ là để tồn tại, mà là để phát triển”, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nói, và cho rằng: “Nếu tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra một làn sóng thương mại đầu tư mới”.
Triển vọng thu hút vốn FDI ở Việt Nam được xem là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đến Việt Nam. Các nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU,… tin tưởng việc đẩy nhanh cải thiện môi trường kinh doanh, pháp lý và cải cách thể chế sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh sau đại dịch và sẽ tiếp tục nhận được những khoản đầu tư lớn, chất lượng hơn.
Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, để thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU, Việt Nam cần sửa đổi nhiều khung khổ quy định pháp lý, tiêu chuẩn liên quan tới đầu tư bởi thực tế đã có những quy định lỗi thời. “Việt Nam cần là nền kinh tế hiện đại công nghiệp hóa, thể chế pháp lý phù hợp thể chế kinh tế thị trường, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan thuế và các cơ chế quản lý khác”, ông Aliberti nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận