menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Trường

Nam Phi loay hoay tìm phương án xử lý lệnh bắt ông Putin

Nam Phi không muốn thực thi lệnh bắt ông Putin của ICC, song chưa tìm được phương án vẹn toàn khi Tổng thống Nga muốn tới Johannesburg dự hội nghị BRICS.

Nam Phi dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tại Johannesburg vào tháng 8. Nguyên thủ các nước đều dự kiến tham dự, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, là một bên ký Quy chế Rome thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Nam Phi có nghĩa vụ bắt ông Putin theo lệnh ICC đưa ra hồi tháng 3 vì những cáo buộc liên quan tới xung đột Ukraine. Nga phản đối lệnh bắt, cho rằng quyết định của ICC không có căn cứ pháp lý và vô hiệu với lãnh đạo nước này.

"Chúng tôi đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan", Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile thừa nhận trong cuộc phỏng vấn hôm 14/7. "Tất nhiên, chúng tôi không thể bắt ông ấy. Nó sẽ giống như mời bạn mình đến nhà rồi bắt họ".

Các quan chức Nam Phi đã tính đến nhiều phương án để giải quyết bài toán, trong đó có tổ chức hội nghị BRICS theo phương thức trực tuyến, để ông Putin không phải tới Johannesburg. Tuy nhiên, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc phản đối hình thức họp này, và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng muốn hội nghị diễn ra trực tiếp.

Một giải pháp khác được đưa ra là chuyển địa điểm tổ chức hội nghị BRICS sang Trung Quốc, nước không phải là thành viên ICC và không có nghĩa vụ bắt ông Putin theo lệnh của tòa. Nhưng Ấn Độ và Brazil không nhất trí với phương án đó và vẫn muốn hội nghị diễn ra tại Nam Phi.

Đây là lý do Phó tổng thống Mashatile đưa ra đề nghị được coi là thẳng thắn nhất. "Chúng tôi thấy rằng ông ấy không đến là giải pháp tốt nhất", ông nói, đề xuất để Ngoại trưởng Sergey Lavrov thay Tổng thống Putin dẫn đầu phái đoàn dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 22-24/8.

"Tuy nhiên, người Nga không hài lòng, họ muốn ông ấy đến", ông Mashatile cho hay. Các quan chức Nga không đồng tình với khả năng ông Putin không được tham dự cuộc họp với bốn nguyên thủ quốc gia còn lại. Phản ứng của Nga khiến Nam Phi tiếp tục rơi vào tình thế khó xử, khi chỉ hơn một tháng nữa là hội nghị BRICS sẽ diễn ra.

Với mối quan hệ nồng ấm lâu nay với Nga, giới chức Nam Phi có khả năng vi phạm hiệp ước với ICC và không bắt ông Putin, song một số đảng đối lập, nhóm nhân quyền và nhà hoạt động ở nước này cho rằng nên bắt lãnh đạo Nga. Họ thậm chí đe dọa sẽ tự làm điều đó, khiến dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh cho hội nghị thượng đỉnh BRICS.

Nam Phi loay hoay tìm phương án xử lý lệnh bắt ông Putin
Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại sự kiện ở Sochi, Nga hồi tháng 10/2019. Ảnh: Reuters

Ông Mashatile lãnh đạo một ủy ban được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề nan giải trên. Vukani Mde, người phát ngôn của ông Mashatile, cho biết họ rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" hiện nay do danh sách khách mời dự hội nghị được gửi đi trước khi ICC ngày 17/3 phát bắt ông Putin với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine.

Với các phương án do ủy ban đề xuất đều không khả thi, Nam Phi giờ đây chỉ còn trông cậy vào các cuộc trao đổi cấp cao giữa Tổng thống Ramaphosa và ông Putin.

"Bây giờ, chúng tôi quyết định để Tổng thống giải quyết vấn đề. Tổng thống sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở St. Petersburg vào cuối tháng này, nên họ sẽ tiếp tục trao đổi với nhau. Chúng tôi muốn cho ông ấy thấy thách thức mà Nam Phi phải đối mặt, bởi chúng tôi đã tham gia Quy chế Rome và không thể rũ bỏ nghĩa vụ của nó", ông Mashatile nói.

Quy chế Rome là hiệp ước thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế được thông qua ở Rome, Italy ngày 17/ 7/1998 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2002. ICC hiện có 123 thành viên, gồm phần lớn các nước châu Âu, một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, nhưng không bao gồm Trung Quốc và Mỹ. Theo lý thuyết, nếu Tổng thống Putin đến lãnh thổ của những quốc gia thành viên ICC, họ có nghĩa vụ pháp lý phải bắt và bàn giao ông cho ICC để xét xử.

ICC không có lực lượng cảnh sát hay bất cứ công cụ riêng nào để thi hành lệnh bắt của mình. Cơ quan này cũng không được quyền xét xử vắng mặt. Ngay cả khi một quốc gia thành viên bắt và giao nộp người bị cáo buộc, ICC cũng rất khó kết tội các quan chức cấp cao nhất. Trong hơn 20 năm qua, ICC chỉ đưa ra 5 bản án cho các tội nghiêm trọng, trong đó không có bản án nào dành cho quan chức cấp cao các nước.

Nam Phi từng có ý định rút khỏi ICC năm 2016, một năm sau khi hứng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì không thực hiện lệnh bắt của tòa với Omar al-Bashir, tổng thống Sudan giai đoạn 1989-2019. ICC tháng 3/2009 truy tố ông al-Bashir với cáo buộc chỉ đạo chiến dịch giết người hàng loạt, tấn công dân thường ở Darfur.

"Chính phủ Nam Phi rất cảnh giác với tình huống bắt nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, điều chưa từng xảy ra", ông Mde nói.

Nhưng nếu không thực thi lệnh bắt của ICC, Nam Phi đối mặt nguy cơ chịu sức ép lớn hơn trong quan hệ với Mỹ và các đối tác ngoại giao, thương mại quan trọng ở phương Tây, thậm chí là hứng chịu lệnh trừng phạt.

Quan hệ giữa Nam Phi và Mỹ đã trở nên căng thẳng sau khi Washington cáo buộc quốc gia phát triển nhất châu Phi cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Mỹ nói tàu chở hàng Lady R của Nga đã cập bến căn cứ hải quân chính của Nam Phi gần Cape Town hồi tháng 12 năm ngoái và chuyển vũ khí lên khoang.

Nam Phi phủ nhận bất kỳ giao dịch vũ khí nào, song ông Ramaphosa đã yêu cầu điều tra chuyến cập cảng của tàu Lady R.

Nhiều nhà phân tích và ngoại giao hoài nghi khả năng ông Putin rời Nga để tham dự hội nghị BRICS, đặc biệt là khi giới lãnh đạo Nga đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cuộc nổi loạn Wagner, cũng như đối phó với chiến dịch phản công của Ukraine.

Tuy nhiên, một số khác tin rằng ông Putin có thể tham dự BRICS như động thái chứng minh sức mạnh với những người đồng cấp, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Andrew Korybko, chuyên gia phân tích chính trị tại Viện Quan hệ Đối ngoại Moskva, cho rằng phát biểu của Phó tổng thống Mashatile cho thấy Nam Phi hiểu rõ nguy cơ với nền kinh tế và hình ảnh quốc gia nếu bị phương Tây áp lệnh trừng phạt khi không thi hành nghĩa vụ với ICC.

"Nhưng nếu thực thi lệnh bắt khi ông Putin đến Johannesburg, họ sẽ hủy hoại quan hệ với Nga và sự đoàn kết của khối BRCIS. Điều đó khiến họ đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự", Korybko nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại