Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Việt Nam thúc đẩy 5 ưu tiên, xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020 đã trả lời phỏng vấn báo chí những ưu tiên mà Việt Nam sẽ thúc đẩy trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN theo luân phiên. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020 đã trả lời phỏng vấn báo chí về công tác chuẩn bị và những ưu tiên mà Việt Nam sẽ thúc đẩy trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Ủy ban đã rất nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức của mình gồm Ban Thư ký và các Tiểu ban chuyên môn, có sự tham gia của rất nhiều Bộ, ngành, địa phương. Ủy ban cũng đã đề ra từ sớm lộ trình cũng như kế hoạch công tác trong cả năm, tổ chức họp thường kỳ.
Về nội dung, Việt Nam đã hoàn thành đề án Tổng thể và đã trình lên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việt Nam đã xác định được Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cũng như các trọng tâm, ưu tiên, sáng kiến cho Năm Chủ tịch. Chủ đề vừa có tính tiếp nối với chủ đề các năm ASEAN trước, và nhận được sự hưởng ứng cao của các nước thành viên ASEAN và sự đồng tình, ủng hộ của các nước đối tác của ASEAN.
Về tuyên truyền - văn hóa, chúng ta đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể và chi tiết, bao gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch, nhằm quảng bá quảng bá mạnh mẽ hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè ASEAN và quốc tế.
Công tác lễ tân - hậu cần và an ninh - y tế được triển khai toàn diện hướng tới đảm bảo một Năm Chủ tịch trọng thị về lễ tân, chu đáo về hậu cần, an toàn, an ninh cao nhất cho các quan khách và đại biểu.
Với sự chuẩn bị ráo riết, khẩn chương và tích cực về mọi mặt, sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban, ngành, địa phương và đặc biệt là người dân cả nước, sự ủng hộ của các nước ASEAN, và các nước Đối tác, bạn bè của ASEAN, Việt Nam tin tưởng đã sẵn sàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020.
Trong đó, nổi bật là hai đợt Hội nghị Cấp cao: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 4/2020) và Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-New Zealand tại Đà Nẵng (tháng 4/2020); Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị có liên quan tại Hà Nội (tháng 11/2020). Một hoạt động lớn nữa là Việt Nam chủ trì Đại hội đồng liên Nghị viện lần thứ 41 tại Hạ Long (tháng 8/2020).
Ngoài ra, tại Việt Nam sẽ có khoảng 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Tài chính, Bộ trưởng phụ trách về Tội phạm xuyên quốc gia, Bộ trưởng điều phối 3 trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội …
Trong đó, quan trọng và quy mô nhất có thể nói là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (tháng 8/2020). Một số hoạt động ngoại giao nhân dân khác cũng sẽ được Việt Nam đăng cai tổ chức, trong đó có Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APPF) dự kiến diễn ra vào quý III/2020.
Ngay sắp tới đây, tháng 1/2020, Việt Nam sẽ tổ chức Họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng sẽ thông qua toàn bộ chương trình và hoạt động công tác của năm 2020.
Đoàn kết và thống nhất là chất keo dính quan trọng để xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Chặng đường 52 năm hình thành và phát triển của ASEAN đã cho thấy đoàn kết và thống nhất chính là chìa khóa mang lại thành công và sức mạnh cho ASEAN.
Việt Nam sẽ đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Lợi ích kinh tế là chất keo kết dính thứ 2. Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy những điểm đồng về lợi ích kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN như tăng cường liên kết kinh tế, trao đổi đầu tư và thương mại nội khối, đổi mới sáng tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Giá trị chung đóng vai trò là chất keo kết dính thứ 3 để xây dựng một cộng đồng gắn kết. Việt Nam sẽ thúc đẩy tạo dựng các giá trị chung của ASEAN, nâng cao tinh thần công dân ASEAN cũng như nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng trong khu vực và trên thế giới.
Việc đề cao hình ảnh của ASEAN có thể thông qua những hình ảnh đơn giản như sử dụng cờ ASEAN nhiều hơn, đưa nhiều hình ảnh ASEAN đến với người dân hơn nữa,…
Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN không thể thiếu sự ủng hộ và đóng góp của các nước đối tác và tổ chức khu vực và quốc tế. Chúng ta muốn gắn kết thì cũng không chỉ gắn kết với nhau mà còn phải gắn kết với bên ngoài, do vậy, quan hệ đối tác - đây là chất keo kết dính thứ 4 mà tôi muốn đề cập đến.
Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh các cơ chế mà ASEAN tạo dựng cũng như dẫn dắt, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Chất kết dính cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nâng cao năng lực, tính hiệu quả của thế chế, tận dụng hơn các cơ sở vật chất đã có, ví dụ như trụ sở mới của ASEAN tại Jakarta, Indonesia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận