menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Hà My

Năm bí ẩn về Trung Quốc cần được làm rõ để có thể kết thúc chiến tranh thương mại với Mỹ

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã tiến vào giai đoạn “gió tanh mưa máu” kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên không đi đến được thỏa thuận nào vào tháng 5/2019.

Sắp tới, hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka sẽ diễn ra, dự kiến các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại hội nghị này. Vậy nên, hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải làm rõ những việc mà Mỹ đang hiểu lầm Trung Quốc, những hiểu lầm này là tác nhân khiến cơ hội để hai bên quay lại bàn đàm phán giảm xuống đáng kể, theo báo South China Morning Post.

Quan niệm sai lầm đầu tiên cần được thay đổi và phải được bối cảnh hóa cho đúng – là việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. “Ăn cắp một cuốn sách là một hành vi phạm tội tao nhã”, theo lời giải bày của một học giả trong truyện ngắn Kong Yiji của Lỗ Tấn. Theo lịch sử xưa nay, việc một nước nào đó đánh cắp tài sản trí tuệ của các nước khác là việc khó tránh khỏi trong quá trình phát triển.

Quay lại thế kỷ 19, sự phát triển đầy hưng thịnh của Mỹ cũng đi kèm với việc đánh cắp tràn lan các sáng kiến công nghệ và tài sản trí tuệ từ Anh, trong đó có kế hoạch ăn cắp thiết kế máy dệt vải và các bản sao in lậu tiểu thuyết của Charles Dickens. Bây giờ, Mỹ lại là nước ủng hộ các quy chuẩn sở hữu trí tuệ mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Cùng với sự quan tâm đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ, Trung Quốc cũng đã đi theo con đường tương tự như Mỹ, nhưng với tốc độ nhanh hơn trong vòng 40 năm qua. Người Trung Quốc đã xây dựng hệ thống bảo vệ tài sản trí tuệ của họ ngay từ đầu và sự thành công của hệ thống đó thậm chí còn phi thường hơn cả sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, về các quy định và việc thực thi pháp luật, cùng với việc thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua giáo dục.

Với mục tiêu ưu tiên phát triển khả năng lãnh đạo thông qua khoa học và công nghệ, đất nước đang phát triển này sẽ chỉ tiếp tục mở rộng việc bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, vì việc đó đồng thời sẽ làm tăng khả năng quản lý xã hội.

Quan niệm sai lầm thứ hai là việc Chính phủ Trung Quốc đang bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ của họ để đổi lấy việc được đầu tư vào Trung Quốc. Với vấn đề này, điểm mấu chốt nằm ở chỗ phải đánh giá được liệu hợp đồng liên quan đến việc chuyển giao công nghệ đó được ký kết một cách tự nguyện hay bắt buộc.

Nói một cách hợp lý, thì những người nắm giữ thông tin hợp đồng ở cả hai phía đều mong muốn tối đa hóa các lợi ích tương ứng mà họ sẽ đạt được và đàm phán với nhau mà không có áp lực gì hết, vậy ai có thể nói được việc chuyển giao này được tiến hành do bị bắt ép đây?

Luật pháp của Trung Quốc yêu cầu các khoản đầu tư nước ngoài vào công ty Trung Quốc phải được tiến hành dưới hình thức liên doanh, trong đó các đối tác là người Trung Quốc đôi khi sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần.

Phía Mỹ đã viện dẫn những yêu cầu như vậy trong các cáo buộc Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng cụ thể về việc Chính phủ Trung Quốc áp đặt các yêu cầu chuyển giao công nghệ trong quá trình đàm phán và phê duyệt hợp đồng. Thật vậy, Trung Quốc gần đây đã thông qua một đạo luật về vốn đầu tư nước ngoài mang tính ngăn cản các quan chức Chính phủ không thể làm những việc như trên.

Quan niệm sai lầm thứ ba liên quan đến vị thế là một nước đang phát triển của Trung Quốc. Nếu bạn đo lường tổng thể nền kinh tế và khả năng giao thương của Trung Quốc thì chắc chắn đây là một đất nước siêu cường; nhưng nếu tính đến GDP bình quân đầu người, thì Trung Quốc thua đến 80 nền kinh tế khác, thua cả Malaysia, Nga và Kazakhstan. Ở Trung Quốc, nếu đi xa khỏi những siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy các khu vực phát triển kém ở khắp mọi nơi.

Khả năng quản lý xã hội vẫn còn hạn chế của Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng quyết định vị thế là nước đang phát triển của Trung Quốc. Chuyên môn và tư duy thể chế là điều thiếu hụt rất lớn vẫn còn đang lan tràn trong cả bộ máy chính phủ và xã hội Trung Quốc.

Ví dụ như việc phân loại rác thải, việc này vẫn còn chưa phổ biến ngay cả ở những thành phố cấp 1 của Trung Quốc, chứ đừng nói gì đến những thành phố cấp thấp hơn hay những khu vực nông thôn. Đồng thời, nếu xét được việc thể hiện quyền lực mềm, thì Trung Quốc vẫn còn đang phải tìm cách để bắt kịp Mỹ.

Quan niệm sai lầm thứ tư liên quan đến vai trò của Đảng Cộng sản đối với nền kinh tế Trung Quốc. Có vài người tưởng tượng rằng Nhà nước Trung Quốc cho phép nước này vận hành giống như là một tập đoàn Trung Quốc Inc., và các thành viên thuộc Đảng Cộng sản nắm giữ mọi vị trí quan trọng trong hệ thống tập đoàn đó.

Việc này đơn giản là không hề đúng chút nào. Mà ngược lại, các công ty tư nhân chiếm phần lớn nền kinh tế Trung Quốc, họ chiếm hơn 50% doanh thu thuế, 60% tăng trưởng sản phẩm quốc nội và 70% phát kiến công nghệ, cũng như cung cấp đến 80% việc làm.

Vậy chính xác thì Đảng ủy có nhiệm vụ gì trong một công ty? Hãy cùng xem qua ví dụ minh họa sau: Đảng Cộng sản đối với Trung Quốc có vai trò giống như Chúa đối với các tín đồ của mình, và một Đảng ủy có vai trò như một nhà thờ. Và giống như nhà thờ kêu gọi các tín đồ ấy phải yêu thương làng xóm, thì Đảng ủy cũng yêu cầu các Đảng viên phải trở thành các tấm gương sáng đại diện cho các quy tắc ứng xử mẫu mực ở công ty.

Trong các hoạt động thường ngày, các công ty Trung Quốc đều được vận hành một cách tự chủ và thương mại hóa, không hề bị kiểm soát bởi Đảng, cũng giống như một Giám đốc điều hành (CEO) theo Kito giáo tự điều hành việc kinh doanh chứ không hề bị Chúa can thiệp vào.

Quan niệm sai lầm thứ năm là việc người dân Trung Quốc đều phải hợp tác với Đảng Cộng sản và trở thành gián điệp điều tra cho họ nếu được yêu cầu. Khái niệm đó là một sự giải thích sai về Luật Tình báo Quốc gia năm 2017 của Trung Quốc, đó chỉ là phản ánh riêng về hoạt động tình báo của Mỹ chứ không phải Trung Quốc, theo tiết lộ của Edward Snowden.

Trên thực tế, bộ máy tình báo của Trung Quốc phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc, theo Điều 8 Luật Tình báo Quốc gia.

Do đó, nếu như Chính phủ Trung Quốc yêu cầu công ty Huawei – ông trùm viễn thông của đất nước – theo dõi các khách hàng châu Âu của họ, thì Huawei hoàn toàn có quyền từ chối không làm theo; còn nếu như Chính phủ bắt ép Huawei phải theo dõi thì sẽ vi phạm quyền lợi của công ty theo Điều 8. Tóm lại, luật này được ban ra nhằm mục đích ngăn chặn những nỗ lực làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Trung Quốc, chứ không phải cho phép các hành động phủ đầu nhằm đánh cắp thông tin.

Khi nghĩ về việc đó dưới góc độ chính sách, bạn phải nhận ra rằng chẳng có lý nào mà Chính phủ Trung Quốc lại dùng Huawei làm gián điệp cả. Vì Trung Quốc đơn giản là không thể có đủ năng lực để đe dọa làm tổn hại đến một thương hiệu như Huawei cùng với những thành công mà công ty này đã dành được trên khắp thế giới, đã vậy còn vào ngay thời điểm đã có quá đủ những định kiến và chỉ trích chống lại cả Trung Quốc và công ty này xuất hiện trên toàn cầu.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Gu Bin trên SCMP

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại