Năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam đạt 35 tỷ USD
Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW và Nghị quyết 01/NQ-CP, tiếp nối Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ), trên cơ sở tổng kết các kết quả đạt được trong giai đoạn trước, rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu phát triển TMĐT giai đoạn tới và tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 (Quyết định số 645/QĐ-TTg).
TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025.
Theo đó, về quy mô thị trường TMĐT, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT tử của mô hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong TMĐT; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT.
Về tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, các địa phương ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.
Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp, 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận