Năm 2020: Giá đất nhiều địa phương sẽ thành đất "kim cương"
Với tờ trình đề xuất tăng giá đất tại nhiều địa phương, khung giá đất mới nếu được duyệt ban hành, đất vàng nhiều khu vực dự kiến sẽ được nâng lên mức giá kim cương...
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP quy định về khung giá đất, đảm bảo phù hợp với thực tế để UBND cấp tỉnh kịp thời xây dựng và công bố bảng giá đất vào ngày 1/1/2020 theo quy định của Luật Đất đai.
Với tờ trình đề xuất tăng giá đất tại nhiều địa phương, khung giá đất mới nếu được duyệt ban hành, đất vàng nhiều khu vực dự kiến sẽ được nâng lên mức giá "kim cương".
Tại TP. HCM hiện nay, 3 tuyến đường có giá cao nhất là Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận I) đang áp dụng mức tối đa của khung giá đất được ban hành là 162 triệu đồng/m2. Giá đất thị trường ở khu vực này có nhiều điểm có thể cao ngất gấp 3, 4, thậm chí 5 lần mức này.
Mới đây, tại Hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP. HCM” ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT thành phố cho biết, giá đất ở TP. HCM đang từ vài triệu tới 1 tỷ đồng/m2.
Ở những tuyến đường khác đang có khung giá đất được áp trên 100 triệu đồng/m2 của trung tâm quận 1 như Công trường Lam Sơn (11 triệu/m2); Hàm Nghi (101 triệu/m2); Lý Tự Trọng (101,2 triệu đồng/m2), Tôn Đức Thắng (105 triệu/m2)… giá đất thị trường cũng đều đang ở mức gấp 2 - 3 lần (xét trọn đường không tính những vị trí đắc địa nhất trên tuyến).
Từ trên đỉnh cao của giá đất này được tính bậc thang gấp đôi lên đỉnh cao của khung giá mới, một điều chắc chắn là chưa nói tới giá đất khu vực này sẽ được thị trường tính toán chóng mặt ra sao, riêng toàn thể giá các tài sản trên đất của khu vực này bao gồm rất nhiều tòa cao ốc văn phòng mà các doanh nghiệp đang thuê hoạt động kinh doanh, làm trụ sở, cũng sẽ tăng phi mã.
Với mức tăng giá dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khung giá đất cũ tại TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, hiện bảng giá đất tại TP. HCM tăng quá cao, không phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Ông Châu cũng cảnh báo với việc tăng giá đất không tính toán trên từng khu vực, tuyến đường, có thể dẫn đến một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp sổ đỏ, giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng thị trường ngầm. Với việc này, Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội.
Theo HoREA, hiện nay giá đất trong bảng giá đất ở các địa phương được quy định thấp hơn so với giá đất phổ biến trên thị trường và chỉ tương đương khoảng 30-50% giá đất thị trường. Kết quả công tác thẩm định "giá đất cụ thể" chưa đảm bảo được nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".
Tuy nhiên, ở 1 khía cạnh khác, việc tăng khung giá đất nếu phù hợp thực tế lại là vui mừng của nhiều người dân khi được đền bù thỏa đáng, hợp lý với kỳ vọng và tài sản của dân. Đây cũng là điểm cần tính toán để có sự cân bằng trong xét bảng tăng khung giá đất.
Còn theo GS Đặng Hùng Võ, vừa qua Bộ Tài chính trình bảng giá đất cao nhất là 340 triệu/m2, trong khi thị trường cao gấp 2, gấp 3 lấn giá đó.
“Làm giá mà không theo kịp thị trường thì lấy gì thu cho ngân sách nhà nước. Đưa đất công vào thị trường thì tính đúng giá thị trường, lúc đó chúng ta thu thuế cao, dẫn đến nhiều hiệu quả rất tốt, là động lực cho phát triển đô thị”, ông Võ cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận