Năm 2002, thị trường nhà đất Trung Quốc vẫn đầy sóng gió
Thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022, bất chấp chính phủ nhiều lần khẳng định sẽ nỗ lực bình ổn lĩnh vực này.
Tập đoàn Evergrande Group của Trung Quốc ngày 10/1 thông báo đã chuyển khỏi trụ sở chính ở Thâm Quyến để “đóng đô” tại một khu vực khác trong thành phố. Đây là nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí thuê mặt bằng, dù rằng tập đoàn đang gặp khó khăn về tài chính này vẫn đăng ký kinh doanh ở thành phố phía Nam Trung Quốc này. Hiện Evergrande vẫn không cho biết thêm chi tiết về địa điểm đặt trụ sở mới.
*Nỗ lực thoát hiểm
Tuyên bố của Evergrande là một phần trong những diễn biến kịch tính của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc trong ngày 11/1. Shimao, một trong những nhà phát triển bất động sản được cho là lành mạnh nhất của Trung Quốc, đã thông báo rao bán các dự án hiện có để đảm bảo nguồn trả nợ. Đây lại là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy lĩnh vưc nhà đất của Trung Quốc sẽ còn suy thoái sâu hơn nữa.
Bất ngờ không mong muốn này của Shimao đồng nghĩa rằng cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, vốn đã “quét sạch” hơn 1.000 tỷ USD khỏi thị trường này vào năm ngoái, sẽ không dừng lại trong năm 2022.
Trong phiên giao dịch 7/1, cổ phiếu Shimao từng lao dốc khoảng 17% do không thể hoàn trả đầy đủ một khoản vay. Tuy nhiên, tới hôm nay, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng gần 20% sau báo cáo cho hay họ đang đàm phán về việc bán tài sản với China Vanke, "gã khổng lồ" bất động sản do nhà nước “chống lưng”.
S&P Global Mỹ cũng cảnh báo rủi ro vỡ nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong quý I/2022 nếu các biện pháp hỗ trợ của chính phủ nước này chưa phát huy hiệu quả.
Các công ty bất động sản Trung Quốc đã phải đối mặt với áp lực chưa từng có trong 6 tháng qua, do những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế tình trạng vay nợ quá mức trong lĩnh vực này. Hiện đã có hai “ông lớn” bất động sản Trung Quốc là China Evergrande Group và Kaisa Group bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá ở mức vỡ nợ. Do đó, thông tin về việc Shimao vỡ nợ lại gây nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư, bởi cho tới gần đây, công ty này vẫn được cho là thuộc nhóm có “sức khoẻ” tài chính tốt hơn.
*Thách thức còn ở phía trước
Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc có thể sẽ nghiêm trọng hơn trong năm 2022, khi các công ty đối mặt với các khoản thanh toán nợ cao gấp đôi so với những tháng cuối năm 2021. Điều này có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Nomura (Nhật Bản), hiện các công ty bất động sản Trung Quốc có số nợ nước ngoài là 19,8 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2022. Con số này gấp gần 2 lần mức nợ 10,2 tỷ USD trong quý IV năm ngoái, gánh nặng đã khiến Evergrande vỡ nợ và đe dọa vỡ nợ với một số công ty khác như Kaisa. Số nợ trong quý II năm nay cũng không giảm nhiều, ở mức 18,5 tỷ USD.
Ông Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản có thể trở thành một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Ở Trung Quốc hiện nay, tất cả đều đánh cược vào việc bất động sản tăng giá, đặc biệt là các công ty bất động sản, những doanh nghiệp vốn đã đi vay hoàn toàn.
Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cũng vấp phải các vấn đề thanh toán khác. Các công ty bất động sản đã vay hàng tỷ Nhân dân tệ ở trong nước. Nomura cho biết các công ty này phải huy động được 1.100 tỷ nhân dân tệ (172 tỷ USD) để thanh toán tiền lương còn nợ công nhân xây dựng trước Tết Nguyên đán năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận