Mỹ xả kho dầu 'khủng' liệu có đủ ?
Kế hoạch xả 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược là quyết định lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu, nhưng thực sự có giải quyết được bài toán lâu dài?
Ngày 31.3, Tổng thống Biden công bố quyết định xuất một lượng dầu kỷ lục từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Cụ thể, Mỹ sẽ xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong suốt 180 ngày, con số chưa từng có tiền lệ trong lịch sử gần 50 năm tồn tại của SPR và trên toàn thế giới.
Giá dầu giảm
Với quyết định này, Mỹ sẽ giải phóng tới 1/3 kho dự trữ dầu mỏ chiến lược. Theo tờ The New York Times, 1 triệu thùng dầu mỗi ngày tương đương 5% nhu cầu của người dân Mỹ và 1% nhu cầu toàn thế giới.
Trong tuyên bố trên trang web Nhà Trắng, ông Biden nhấn mạnh, bổ sung nguồn cung chính là biện pháp để giảm giá nhiên liệu ngay lúc này. Giá xăng dầu ở Mỹ đã tăng rất cao thời gian qua và ông Biden mô tả đó là nỗi đau của các gia đình Mỹ.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nêu lý do khiến giá dầu tăng cao là sự tác động của đại dịch Covid-19, cụ thể là nhu cầu giảm kéo theo sản xuất giảm, sau đó quá trình phục hồi kinh tế khiến nhu cầu tăng nhanh mà nguồn cung không đáp ứng được. Nguyên nhân thứ hai, Tổng thống Biden gọi tên người đồng cấp Nga Vladimir Putin và cáo buộc rằng việc Nga - một nhà xuất khẩu dầu khí lớn - tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã kéo theo một loạt phản ứng từ các nước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá tăng cao.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Biden, giá dầu đồng loạt giảm. Ghi nhận vào trưa 1.4, trên sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu WTI giảm xuống mức 98,92 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent trên sàn giao dịch ICE xuống mức 103,56 USD/thùng, theo Bloomberg.
Tổng thống Joe Biden ngày 31.3 thông báo xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược. AFP |
Không bền, tiềm ẩn rủi ro
Tuy vậy, phản ứng nhanh chóng của thị trường vẫn không đủ để đảm bảo tác động giảm giá nhiên liệu kéo dài. Theo tờ The Washington Post, về lý thuyết thêm nguồn cung dầu vào thị trường sẽ kéo theo giảm giá thành, nhưng điều đáng nói là cán cân. Mỗi ngày Mỹ tiêu thụ tới 20 triệu thùng dầu, nguồn cung thêm vào là 1 triệu thùng thì khó có thể nói đây là sự thay đổi quá lớn. Chưa kể khi giá giảm đi một chút, nhu cầu lại tăng lên. “Tôi không muốn nói là nó không đáng kể, nhưng thật sự chưa đủ so với nhu cầu”, Phó giáo sư về kinh tế năng lượng Tom Seng (Đại học Kinh doanh Tulsa Collins) nhận định với tờ USA Today.
Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược
Năm 1975, Mỹ thiết lập SPR sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 (khi các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông cấm vận Mỹ vì ủng hộ Israel trong cuộc chiến Israel - Ả Rập). SPR để dùng trong các trường hợp khẩn cấp khiến thiếu hụt dầu khí như thảm họa thiên nhiên hoặc chiến tranh. Dầu được dự trữ trong các hang muối dưới lòng đất ở bang Texas và Louisiana. Mỹ đã một số lần xả dầu từ kho dự trữ này, gần nhất là 50 triệu thùng hồi tháng 11.2021 và xả thêm 30 triệu thùng vào đầu tháng 3 vừa qua. Tính đến ngày 25.3, SPR còn 568 triệu thùng. Sau quyết định xả 180 triệu thùng trong 6 tháng tới, Mỹ sẽ còn 388 triệu thùng dầu trong kho dự trữ, mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cũng cho rằng tác động của biện pháp này chỉ mang tính tức thời. “Quyết định xả kho này có thể cứu trợ ngắn hạn nhưng còn lâu mới là giải pháp lâu dài cho nỗi đau kinh tế mà người Mỹ đang phải gánh chịu”, theo ông Mike Sommers, Chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ (tổ chức đại diện cho các công ty dầu khí nước này). Chuyên gia giao dịch năng lượng John L.Graves (Mỹ) đánh giá việc xả kho dầu này không giúp được gì cho những lo ngại lâu dài về giá nhiên liệu, thậm chí là an ninh năng lượng của Mỹ. Các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ cũng đưa ra nhận xét tương tự rằng đây chỉ là giải pháp tình thế.
Thêm vào đó, sự thiếu hụt nguồn cung mỗi ngày từ phía Nga là lớn gấp 3 lần so với lượng dầu Mỹ xả ra từ kho dự trữ. Bloomberg dẫn đánh giá của chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley thuộc Công ty môi giới đầu tư Oanda Asia Pacific Pte (trụ sở ở Singapore) cho rằng biện pháp của Tổng thống Biden không thể bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn xuất khẩu dầu mà Nga để lại.
Bài toán khó hơn của ông Biden
Ngoài ra, về lâu dài, việc Mỹ xả kho dự trữ có nghĩa là kho dầu SPR sẽ giảm đáng kể, trong khi nhu cầu thường tăng cao trong mùa hè. Điều này có khả năng khiến giá dầu lại tăng lên. Đây cũng là lo ngại của ông Joe McMonigle, Tổng thư ký Diễn đàn năng lượng quốc tế. Theo CNN, ông McMonigle cho rằng vấn đề là SPR không phải thùng dầu không đáy, nên giải pháp trên không bền vững.
Theo chuyên gia Jay Hakes (tác giả 2 cuốn sách về dự trữ dầu), chính phủ Mỹ cần khuyến khích người dân sử dụng ít xăng dầu hơn và cũng cần có thêm các nước khác giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược thì mới mong có sự thay đổi lớn. Trong khi đó, ông Mike Sommers cho rằng Tổng thống Biden cần khuyến khích tăng sản xuất dầu khí nội địa bằng cách giảm bớt các quy định. Các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ cũng nêu quan điểm: Sự ổn định và chắc chắn là điều mà các thị trường dầu thô toàn cầu khao khát. Cách chắc chắn nhất để cải thiện điều đó là tăng sản lượng khai thác dầu từ các nước ổn định, bao gồm cả Mỹ. Tương tự, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Barrasso tại Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên và năng lượng Thượng viện Mỹ nói rằng điều thực sự tạo ra sự khác biệt phải là sản xuất thêm năng lượng trong nước.
Tổng thống Biden rõ ràng hiểu bài toán lớn hơn phải giải. Ông nêu rõ trong tuyên bố ngày 31.3 rằng kế hoạch năng lượng của ông có hai phần và việc xả dầu từ kho dự trữ chiến lược chỉ là bước đầu tiên để giải quyết khủng hoảng lúc này. Mục tiêu thứ hai mà ông Biden đưa ra là chấm dứt kỷ nguyên phụ thuộc và không chắc chắn để tạo nền tảng mới cho sự độc lập về năng lượng lâu dài và thực chất của Mỹ. Ông muốn gây sức ép để các công ty dầu mỏ trong nước phải tăng cường khai thác bằng cách kêu gọi quốc hội buộc các công ty trả phí cho các giếng dầu thuê của liên bang nhưng đã nhiều năm không sử dụng và trên những khu đất công không có hoạt động sản xuất. Ông Biden nhấn mạnh điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt thật sự nhưng phải mất hàng tháng mới đạt được. Ông cũng cho biết đang phối hợp với các đối tác và đồng minh khắp thế giới để có thêm nguồn cung dầu vào thị trường.
Cái khó ở chỗ, việc “tăng hình phạt” vào các công ty khai thác dầu khí có thể không hiệu quả. Giới phân tích cho rằng các biện pháp khuyến khích nên được ưu tiên hơn. Theo The New York Times, nhiều công ty hiện thận trọng trong việc đổ nhiều tiền vào khai thác do vẫn e ngại giá dầu sẽ lại giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận