Mỹ và EU gây khó khăn, Trung Quốc mở 'mặt trận' mới và lập tức thắng lớn
Khi mối quan hệ giữa Mỹ, EU và Trung Quốc trở nên lạnh nhạt khi phương Tây liên tục gây ra những khó khăn với hàng hoá và dòng vốn từ Trung Quốc. Nền kinh tế số 2 thế giới quyết định tìm đến Đông Nam Á như một đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và lập tức có thành công.
Đổi chiều từ phương Tây sang Đông Nam Á
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi lớn từ quá trình toàn cầu hóa và dần trở thành công xưởng của thế giới khi nhiều công ty từ Âu đến Á đặt cơ sở sản xuất tại đây. Tuy nhiên, dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung đã khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cùng EU có phần lạnh nhạt hơn.
Trong bối cảnh này, ASEAN – thị trường 600 triệu dân đã vượt Mỹ và Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal, dòng vốn Trung Quốc từng đổ về phương Tây, giờ đây đã chuyển hướng về Đông Nam Á, Nam Mỹ và Trung Đông.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2023, tổng giá trị thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc là 20,1 nghìn tỷ NDT (hơn 2,7 nghìn tỷ USD), tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đầu tư vào xe điện tại Thái Lan
ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN là 447,33 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 262,16 tỷ USD và nhập khẩu đạt 184,16 tỷ USD. Trong số các thành viên ASEAN, ba đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc là Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Đông Nam Á sang Trung Quốc bao gồm thiết bị điện và điện tử, khoáng sản và nhiên liệu cùng nông sản. Ngược lại, ASEAN nhập khẩu thiết bị cơ khí, sản phẩm điện tử, quần áo và dệt may từ Trung Quốc.
Trung Quốc đang đổ tiền nhiều nhất vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xe điện, khai khoáng tại khu vực Đông Nam Á. Gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào mỏ khai thác niken – nguyên liệu chủ chốt trong sản xuất ắc quy xe điện của Indonesia. Trong 10 năm qua, khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc vào mỏ khai thác niken ở Indonesia đã lên tới 14,2 tỷ USD.
Trung Quốc rót hàng chục tỷ USD vào việc khai thác niken tại Indonesia
Ngoài ra, quốc gia tỷ dân này còn “để mắt” tới thị trường Thái Lan, Việt Nam nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là xe điện. Theo Reuters, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã cam kết đầu tư 1,4 tỷ USD vào nhiều cơ sở sản xuất tại Thái Lan. Trong khi đó, hãng BYD – hãng xe điện lớn nhất nhì Trung Quốc cũng đã xác nhận kế hoạch mở nhà máy sản xuất ô tô điện Trung Quốc tại Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 200.000 doanh nghiệp của Trung Quốc đã đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại địa phương. Các chuỗi công nghiệp xuyên biên giới đang được mở rộng, bao gồm sản xuất phụ tùng và vận chuyển, tờ The Paper Daily nhận định.
Tăng cường hạ tầng kết nối khu vực
Trung Quốc đã và đang nỗ lực để thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng khu vực, trong đó phải kể đến Sáng kiến Vành đai và Con đường hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á. Đặc biệt, Sáng kiến Vành đai và Con đường là một bước đi quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư và các luồng vận tải giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
So với các lựa chọn trước đây là Thượng Hải hoặc Quảng Châu, các nhà sản xuất ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc hiện có thêm tuyến đường mới ngắn hơn, đó là Vịnh Bắc Bộ - Khâm Châu, Bắc Hải và Thành Cảng.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Ngày càng có nhiều tuyến giao thông hơn tại các khu vực biên giới và các chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc đến Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Ông Huang Yonghui, cố vấn cấp cao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quảng Tây ước tính kim ngạch thương mại Trung Quốc – ASEAN sẽ tăng thêm nữa với sự phát triển của Hành lang thương mại đất liền – biển.
“Trước đây, phải mất khoảng 27 ngày để vận chuyển hàng từ phía Tây Trung Quốc đến Singapore và các thành phố Đông Nam Á. Tuy nhiên, giờ đây, con số này rút xuống chỉ còn 7 ngày để các tàu chở hàng cập cảng Singapore với giá cước vận chuyển tương đương”, ông nói.
Ông Bob Wang, người sáng lập TWT Supply China – công ty có hơn 3.000 xe tải hạng nặng tại thành phố Bằng Tường, Quảng Tây cho biết ngày càng có nhiều loại thành phẩm và bán thành phẩm “đi lại” giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.
“Các cơ sở gia công của Samsung, Apple, Nike, Adidas và Foxconn hiện được đặt ở phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên liệu thô, bán thành phẩm và vật liệu đóng gói của họ đều không thể tách rời khỏi nguồn cung từ Trung Quốc và cần được vận chuyển từ Trung Quốc mỗi ngày.
Trung Quốc đang tập trung xây dựng kết nối hạ tầng với khu vực Đông Nam Á ASEAN vẫn cần giữ vững lập trường
Ông Zheng Yongnian, Giám đốc Viện cao cấp về Nghiên cứu Toàn cầu và Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Hong Kong cho biết: “Một thị trường chung giữa Trung Quốc và ASEAN là điều cần thiết để cả hai bên đối phó với những thách thức bên ngoài gây ra bởi quá trình “phi toàn cầu hóa” và những biến động địa chính trị”.
Ông cho rằng cú bắt tay giữa Trung Quốc và ASEAN có thể giúp đảm bảo các nền kinh tế châu Á giữ vững vị trí trung tâm thương mại hàng hóa toàn cầu. Cựu Thứ trưởng Thương mại Wei Jianguo cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng một thị trường chung ở châu Á có thể giúp tái cấu trúc các yếu tố sản xuất toàn cầu và định hình lại cấu trúc nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh.
“Có thể thấy trước rằng việc hình thành một thị trường chung Trung Quốc - ASEAN sẽ khiến các thị trường ở châu Âu và Mỹ bị bỏ lại rất xa ở phía sau”, bà Wei nhận định.
Hãng BYD đang có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Việt Nam
Ông Zhou Jinzhu, một nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Xúc tiến Thương mại quốc tế Trung Quốc tin rằng: “Trung Quốc và ASEAN hiện đang ở trong tình thế đôi bên cùng có lợi”.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là người duy nhất để mắt đến Đông Nam Á. Trong thời gian qua, Mỹ cũng đang nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác với 14 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Brunei thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bà Lili Yan Ing, cố vấn chính cho khu vực Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á rằng căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và phương Tây cùng Mỹ đang đặt các quốc gia Đông Nam Á vào tình thế khó khăn. “Các quốc gia Đông Nam Á không đủ khả năng để tách khỏi Mỹ hoặc Trung Quốc. Chính vì thế, họ cần thận trọng hơn và không nên nghiêng hẳn về bên nào”, tờ Japantimes nhận định.
Ông Veronika Saraswati, một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Indonesia, cho biết: “Bất chấp sự nhiệt tình đáng kể của Bắc Kinh trong việc tăng cường quan hệ, các quốc gia Đông Nam Á nên duy trì tính trung lập của mình như một điều kiện tiên quyết để thực hiện các sáng kiến hợp tác gần đây với Trung Quốc”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận