Mỹ và chiến lược “lui hổ về chuồng” trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc?
Đối với Mỹ, nếu Trung Quốc vẫn phát triển và chỉ loanh quanh trong biên giới của mình thì điều đó là vô hại cho nước Mỹ. Nói cách khác, chiến lược “lùa hổ về chuồng” sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Trái với không khí phấn khởi của cuộc họp G20 lần trước tại Argentina ngày 1/12/2018, khi mà cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Donald Trump kết thúc “trong tiếng cười rộn rã” và một thoả thuận đình chiến kéo dài tới 90 ngày, cuộc gặp bên lề G20 tại Nhật Bản vào ngày 28-29/6/2019 vẫn còn bỏ ngỏ.
Không ai biết hai lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc gặp nhau có thể giải quyết các vấn đề hiện tại không, và liệu họ có thể đặt ra một lộ trình đáng tin cậy cho những tiến triển trong tương lai hay không?
1. Điều gì khiến hai bên không muốn xuống nước: vì đây là zero-sum game (trò chơi có tổng bằng không)
Thương chiến là phiên bản thu nhỏ của một cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn với cả ba phương diện. Cạnh tranh của các nước lớn là đặc trưng chủ yếu của một trật tự thế giới mới đang định hình thời hậu Chiến tranh lạnh. Vì thế rất khó để thay đổi khuynh hướng của cuộc đua này. Nói vậy có nghĩa là thương chiến sẽ còn tiếp tục đi đến căng thẳng hơn nữa trong thời gian một năm tới.
Ngoài lý do lớn, bao trùm này còn có một số lý do mang tính kỹ thuật khác khiến cho chúng ta có thể mạnh dạn cho rằng thương khó có thể kết thúc với một kết quả làm cả hai bên hài lòng. Thứ nhất, sự ủng hộ chính trị trong nước với hai lãnh đạo cứng rắn vẫn còn rất lớn. Nói cách khác, mùi thuốc súng ở trong nước đang lấn át mùi của cờ hoa.
Thứ hai, tác động của thương chiến đến kinh tế mỗi nước chưa tạo ra những tác động nặng nề. Tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 tại Fukuoka hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói rằng ông không thấy bằng chứng nào cho thấy tranh chấp với Trung Quốc đang làm chậm nền kinh tế Mỹ
Thứ ba, những nội dung để đi đến một thoả thuận lâu dài thuộc về lĩnh vực lợi ích cốt lõi mà hai bên không dễ dàng thoả hiệp. Với Mỹ đó là đòi hỏi mọi thứ phải luật hoá và minh bạch. Với Trung Quốc đó là (i) bảo vệ uy quyền của chính quyền và (ii) đòi hỏi phải bảo hộ và trợ giá để phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt trong nước.
2. Tại sao lại là zero-sum game?
Khi Tổng thống Trump nói rằng thương chiến Mỹ - Trung sẽ là cuộc chơi theo dạng zero-sum: tổng lợi ích của hai bên theo dạng triệt tiêu nhau. Một số người vội vã nhận định rằng, nói như vậy là sai, bởi cả hai bên sẽ bị thiệt, và không thể có chuyện Mỹ cắt đứt mọi liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc.
Bản chất của chiến tranh thương mại là việc Mỹ sử dụng các công cụ thuế quan và phi thuế quan để yêu cầu Trung Quốc thay đổi hành vi kinh tế cả trong và ngoài nước. Nếu Trung Quốc chơi như vậy, thì không khác gì xé toang lồng ngực của mình ra, và sẽ không thể cạnh tranh được với các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Vì thế, zero-sum game ở đây phải được hiểu là: nếu chấp nhận luật chơi của Mỹ, thì Trung Quốc sẽ chẳng còn lại bất kỳ lợi thế gì. Mỹ đẩy Trung Quốc vào trò chơi “có tổng bằng 0” bởi nhận thức chiến lược của Mỹ về Trung Quốc đã thay đổi.
3. Mỹ đang nhìn nhận như thế nào về Trung Quốc?
Câu hỏi này rất quan trọng, vì nó cho biết khuynh hướng chính sách của Mỹ. Rõ ràng từ năm 2016 đã có một sự chuyển ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc toàn diện trên mọi phương diện kinh tế, quân sự và ngoại giao. Sai lầm của Bắc Kinh là đánh giá thấp quyết tâm của tổng thống Donald Trump trong việc đạt được những kết quả cụ thể vượt ra ngoài khuôn khổ đối thoại. Sai lầm của Bắc Kinh cũng có thể liên quan đến việc đánh giá thấp về sự đồng thuận của hai đảng trong “vấn đề Trung Quốc”.
Kết quả của những đánh giá chiến lược sai lầm ấy dẫn đến việc Trung Quốc dường như đang bị động trong khi Mỹ liên tục đưa ra các quan điểm chiến lược mới về Trung Quốc. Một số lo ngại chính khiến Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và quốc gia này cho rằng cạnh tranh nước lớn sẽ là chủ đề của các vấn đề quan hệ quốc tế hiện thời.
(1) Trung Quốc chuyển từ quốc gia chấp hành luật (rule taker) thành quốc gia tạo luật chơi (rule maker)
(2) Các chính sách của Trung Quốc sẽ làm xói mòn và phá huỷ hệ thống trật tự dựa trên luật lệ (rule-base) hiện thời
(3) Cách thức xây dựng hệ thống luật chơi mới của Trung Quốc kém bền vững và mang tính bạo lực hơn so với trật tự thế giới hiện nay.
(4) Trung Quốc cũng không có kinh nghiệm trong việc quản trị các cơ chế đa phương và điều phối khu vực.
(5) Sự quảng bá và nhân rộng mô hình phát triển Trung Quốc
(6) Trung Quốc bằng công nghệ cao có thể tạo ra một chiến lược chống tiếp cận bất cân xứng mới làm gia tăng chi phí cho nước Mỹ
Nhưng nếu bạn nhìn vào những lo ngại trên sẽ thấy đa phần Mỹ lo bị Trung Quốc lấn át về luật chơi. Cũng chính là lấn át tiêu chuẩn.Vì vậy, cuộc đua giữa hai nước còn triển khai cả trong lĩnh vực thiết lập tiêu chuẩn. Quốc gia nào thiết lập được hệ thống tiêu chuẩn công nghệ cho càng nhiều quốc gia thì càng có ảnh hưởng lớn.
Một số phân tích không thực sự am hiểu về mức độ phức tạp của lĩnh vực 5G cho rằng bên nào xây dựng được mạng 5G thì sẽ thiết lập tiêu chuẩn và dẫn dắt các nước khác. Trên thực tế đó là công việ của hơn 500 công ty và tổ chức toàn cầu chứ không phải là câu chuyện của một nước. Vì thế, cuộc chiến 5G giống như một cuộc chiến thị phần hơn, và đương nhiên, ngăn chặn cả con ngựa Huawei tiến vào thành Trojan/Troy.
4. Mỹ muốn gì ở Trung Quốc?
Điều Mỹ muốn bây giờ có thể rất đơn giản, nó bao gồm: (1) Trong ngắn hạn, giành được một thắng lợi về áp đặt luật chơi, đẩy Trung Quốc rơi vào tình trạng sa lầy trong các ván cờ không thể giành thế chủ động. (2) Trong dài hạn, chuyển hẳn từ chính sách can dự sang ngăn chặn Trung Quốc. Ngăn chặn, đó thực sự là một từ khoá mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thích. Hãy nhìn vào những điều khoản mà Mỹ muốn Trung Quốc đặt bút ký, Mỹ biết Trung Quốc khó có thể ký (nếu ký thì sẽ rơi vào trường hợp (1)), câu hỏi đặt ra là vậy tại sao Mỹ vẫn đưa những điều khoản đó lên?
Câu trả lời có thể rất đơn giản: Mỹ không cần có một thoả thuận thương mại với Trung Quốc vào thời điểm này. Trung Quốc càng mất thời gian đối phó với Mỹ thì cơ hội càng trôi xa họ, và các tham vọng của quốc gia này càng sớm lụi tàn.
Bạn sẽ nói rằng, Mỹ không thể nào “đánh sập” Trung Quốc như đã đánh sập Liên Xô hồi những năm 1990. Điều đó đúng. Nhưng đánh sập để làm gì? Đối với Mỹ, nếu Trung Quốc vẫn phát triển và chỉ loanh quanh trong biên giới của mình thì điều đó là vô hại cho nước Mỹ. Nói cách khác, chiến lược “lùa hổ về chuồng” sẽ là ưu tiên hàng đầu vì ít tốn kém nhất.
5. Đối với Trung Quốc, họ có thể làm gì?
(1) Đình chiến là một chiến thuật. Điều này vừa cho Trung Quốc thêm thời gian chuẩn bị, vừa tích luỹ tính chính danh cho ông Tập Cận Bình trong vấn đề đối nội và đối ngoại rằng ông không phải người “hiếu chiến đến cùng”. (2) Chuẩn bị cho căng thẳng dài hạn là một chiến lược. Nếu Trung Quốc đủ tỉnh táo để nhìn nhận Chiến tranh lạnh 2.0 đã đến và Mỹ thực sự muốn ngăn chặn họ, thì về lâu dài họ sẽ chuẩn bị mọi thứ để có thể “đi lên trong vòng xoay zích-zắc”.
6. Có cơ hội nào cho hai lãnh đạo tại G20 không?
Tín hiệu của cả hai bên vẫn là: “Dành cho hoà bình một cơ hội”.
Eswar Prasad – nhà nghiên cứu quan trọng về kinh tế Trung Quốc - đã có một bình luận đầy dí dỏm rằng: giả sử hai ông Tập và Trump gặp nhau, chỉ cần họ đồng ý sẽ có các cuộc họp kế tiếp của nhóm đàm phán thì đó đã là một kết quả quá tốt vào thời điểm này. Chỉ trong vòng 6 tháng, mọi thứ đã thay đổi quá nhanh. Người Mỹ có nhiều kỷ niệm đẹp ở Nhật Bản nhưng Trung Quốc thì ngược lại. Cá nhân tôi cho rằng, khó để có thể có được một cuộc gặp với kết quả đột phá. Điều có lẽ đáng kỳ vọng nhất cũng chỉ có thể là một cuộc gặp “kiểu Prasad” – nghĩa là gặp nhau chào hỏi và đồng ý gặp tiếp.
Bài phân tích trên đây thuộc về Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR, Bizlive biên tập và đăng tải.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận