Mỹ tuyên bố trừng phạt Iran: Bỏ qua lĩnh vực sống còn chiến lược của Tehran, phát tín hiệu ẩn ý tới Israel
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và đồng minh là nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn cung cho chương trình tên lửa và máy bay không người lái của Iran, đồng thời cô lập nước này.
Cấm vận nhằm vào lĩnh vực nào?
Mỹ và Anh ngày 18/4 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của nước này vào Israel hồi cuối tuần qua, Politico đưa tin.
Bộ Tài chính Mỹ thông báo: Cấm vận sẽ được áp lên 16 cá nhân và 2 thực thể "tạo điều kiện" cho việc sản xuất máy bay không người lái của Iran. London cũng đã xác nhận với Politico về quyết định trừng phạt 7 cá nhân và 6 thực thể mà nước này cho là đã "giúp Iran thực hiện các hoạt động làm mất ổn định trong khu vực".
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích làm gián đoạn "những phương diện then chốt trong hoạt động ác ý của Iran". Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết cấm vận sẽ hạn chế khả năng thực hiện các cuộc tấn công trong tương lai của Iran.
Các biện pháp trừng phạt không nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn là lĩnh vực chiến lược sống còn của nền kinh tế Iran, nhưng Mỹ đang nhằm vào một nhà sản xuất thép và nhà sản xuất ô tô mà họ cho là vẫn đang tiếp tục "hỗ trợ về mặt vật chất" cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
CNN cho hay, mục tiêu của lệnh trừng phạt mới là các giám đốc của một nhà sản xuất động cơ cung cấp cho máy bay không người lái Shahed-131 của Iran (loại được sử dụng trong cuộc tấn công), các công ty bảo dưỡng động cơ và các cá nhân liên quan đến việc cung cấp máy bay không người lái cho các lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông.
Bộ Tài chính Mỹ cũng nhấn mạnh, họ quyết định trừng phạt 5 công ty liên quan đến ngành thép của Iran và 3 công ty con của một nhà sản xuất ô tô Iran.
Thông điệp Mỹ gửi tới Israel
CNN nhận định, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và các đồng minh châu Âu là một nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn cung cho chương trình tên lửa và máy bay không người lái của Iran, đồng thời cô lập quốc gia này trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu mà Mỹ và đồng minh gửi tới Israel, rằng để đối phó với hành động gần đây của Iran thì không nhất thiết cần tới phản ứng quân sự.
Trong một tuyên bố kèm theo thông báo về các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ "không ngần ngại" bắt Iran chịu trách nhiệm.
"Hãy để cho tất cả những người hỗ trợ hoặc ủng hộ các cuộc tấn công của Iran thấy rõ rằng: Mỹ giữ vững cam kết với an ninh của Israel. Chúng tôi giữ vững cam kết đối với an ninh của nhân viên và đối tác trong khu vực. Và chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện mọi hành động cần thiết để khiến anh phải chịu trách nhiệm", ông Biden nhấn mạnh trong tuyên bố.
"Chúng tôi đang sử dụng các công cụ kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ để làm suy yếu và gián đoạn những khía cạnh then chốt trong hoạt động ác ý của Iran", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói, "Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng thẩm quyền trừng phạt của mình để đối phó với Iran".
Về phần mình, Israel vẫn đang tiếp tục cân nhắc phản ứng đối với cuộc tấn công mà Tehran tiến hành hồi cuối tuần qua nhằm trả đũa vụ đánh bom lãnh sự quán Iran ở Syria.
Sau cuộc tấn công, ông Biden đã tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo nhóm G7 để lên án Iran và xây dựng một phản ứng ngoại giao, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt mới.
Các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Israel kiềm chế với hy vọng ngăn chặn khả năng bùng phát xung đột ở quy mô lớn hơn. Mỹ và đồng minh nói rằng, việc chặn đứng thành công trận mưa tên lửa của Iran đã là bằng chứng đầy đủ về sức mạnh quân sự vượt trội của Israel.
Tuy nhiên, Israel vẫn chưa công bố phản ứng chính thức của mình. Nội các Chiến tranh Israel đã họp định kỳ trong tuần này nhưng chưa có bất kỳ hành động nào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận