menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Đình Đạt

Mỹ - Trung tiếp tục “khẩu chiến”

Mỹ cho rằng việc gắn mác thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc là hoàn toàn hợp lý và nhận được sự ủng hộ của các nước G7. Trong khi phía Trung Quốc chỉ trích hành động này của Mỹ đã phá hủy nghiêm trọng trật tự tài chính quốc tế và gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính, đồng thời ngăn chặn sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Sư nói sư phải…

Bộ Tài chính Mỹ hôm 5/8 đã chính thức gắn mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. Đây là quốc gia đầu tiên bị Mỹ gắn cho cái mác này kể từ năm 1994. Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc đã “mở cửa” cho đồng nhân dân tệ xuyên thủng ngưỡng tâm lý 7 nhân dân tệ/USD lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Ngay lập tức NHTW Trung Quốc hôm thứ Ba (6/8) đã lên tiếng chỉ trích động thái tiền tệ của Washington “sẽ phá hủy nghiêm trọng trật tự tài chính quốc tế và gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính”, đồng thời ngăn chặn sự phục hồi kinh tế toàn cầu. “Trung Quốc đã không sử dụng và sẽ không sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ để giải quyết các tranh chấp thương mại”, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nhấn mạnh.

Truyền thông Trung Quốc cũng phản ứng mạnh mẽ với động thái này của Mỹ. Tờ Global Times cho biết, phía Mỹ đã thực hiện hành động này từ một động cơ chính trị “để trút giận”. Trung Quốc “không còn mong đợi thiện chí từ Mỹ”, Hu Xijin, Tổng biên tập tờ báo đã tweet vào thứ Ba.

Trong khi đó, phía Mỹ cũng đưa ra những lý lẽ của mình. Larry Kudlow - Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng nói với CNBC hôm thứ Ba (6/8) rằng, Washington buộc phải đưa ra quyết định như vậy sau khi Trung Quốc để đồng nội tệ giảm 10% lần đầu tiên kể từ năm 2018. Ông cũng khẳng định là động thái này nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên G7.

“Tại một số thời điểm, nếu họ vi phạm luật pháp của chúng ta, luật WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) và luật ổn định tiền tệ G20... chúng tôi buộc phải hành động”, Kudlow nói. “Họ đã tự chuốc lấy”.

Mặc dù vậy, theo Larry Kudlow, chính quyền Trump vẫn muốn tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc và đang lên kế hoạch tiếp đón phái đoàn đàm phán của Trung Quốc vào tháng 9 tới. Việc tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương có thể thay đổi triển vọng về thuế quan của Mỹ, Kudlow cho biết và nói thêm, để đạt được điều đó “cần sự nỗ lực từ cả hai phía”.

Ông cũng cho biết, kinh tế Mỹ vẫn đang trong trạng thái rất tốt và ông không thấy có dấu hiệu nào về suy thoái kinh tế toàn cầu, mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang đang làm chậm hoạt động sản xuất trên toàn thế giới.

Lo cho kinh tế toàn cầu

Phát biểu trên twitter hôm thứ Ba (6/8), Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bác bỏ lo ngại đối với kinh tế Mỹ xuất phát từ cuộc chiến thương mại kéo dài với Trung Quốc, đã tweet rằng, nền kinh tế vẫn đang rất mạnh và một lượng tiền khổng lồ từ Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới đang chảy mạnh vào nền kinh tế Mỹ “vì lý do an toàn, đầu tư và lãi suất”.

Ông cũng cam kết sát cánh với nông dân Mỹ đối mặt với sự trả đũa của Trung Quốc như sẽ triển khai một gói cứu trợ mới cho nông dân bị tổn thương do tăng thuế nếu cần thiết. Theo đó, Trung Quốc đã tạm dừng mua hàng nông sản của Mỹ và có khả năng áp thuế quan bổ sung đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Nông dân Mỹ, một thành phần chính trị quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại. Bên cạnh đó là nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như bán lẻ.

Không chỉ các đối tượng này, ngay cả NHTW Mỹ cũng đang bị đẩy vào thế khó vì cuộc chiến thương mại. Phát biểu hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard nói rằng NHTW Mỹ có thể bị mắc kẹt với môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động trong nhiều năm.

“Tôi nghĩ sự không chắc chắn của chế độ thương mại là rất cao trong môi trường hiện tại”, James Bullard nói với Câu lạc bộ các nhà kinh tế quốc gia. “Tôi không mong đợi sự không chắc chắn này sẽ tan biến trong các quý và năm tới”.

Trong khi đó với Trung Quốc, theo Larry Kudlow, gánh nặng suy giảm kinh tế đối với Trung Quốc đang lớn hơn nhiều so với Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Trung Quốc cũng không dám mạo hiểm với việc giảm giá quá mạnh đồng nhân dân tệ bởi đã nhận được một bài học xương máu trong năm 2015 khi dòng vốn nước ngoài chảy mạnh ra khỏi nước này và kho dự trữ ngoại tệ bị bốc hơi nhanh chóng.

“Như chúng ta đã thấy trong năm 2015, nếu thị trường lo ngại bị mất ổn định, dòng vốn chảy ra sẽ tăng trở lại và nó sẽ gây ra nhiều tác hại hơn thuế quan”, Larry Hu - Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities Ltd. ở Hồng Kông nói.

Trong khi đó, tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt ra ngoài vấn đề thuế quan, lan sang các lĩnh vực khác như công nghệ, tiền tệ và sự trả đũa thận trọng. Hiện giới chuyên gia và cả các nhà đầu tư đang lo ngại các động thái trả đũa từ cả hai phía có thể mở rộng phạm vi và mức độ nghiêm trọng, hệ quả là càng làm xói mòn niềm tin kinh doanh và cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đồng nhân dân tệ tiếp tục suy giảm 0,1% xuống còn 7,0320 nhân dân tệ/USD trên thị trường Thượng Hải, thấp nhất kể từ năm 2008. Tỷ giá giao ngay trên thị trường nước ngoài cũng giảm 0,4% sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu hôm 7/8 ở mức 6,996 nhân dân tệ/USD. Tuy nhiên, sau đó đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã thu hẹp mức lỗ, thời điểm chỉ còn giảm khoảng 0,3%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại