Mỹ trừng phạt loạt hãng công nghệ Nga
Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt lên hàng loạt hãng công nghệ Nga, trong đó có nhà sản xuất chip lớn nhất đất nước.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 31/3 cho biết lệnh trừng phạt nhằm vào các mạng lưới và công ty công nghệ là "công cụ" phục vụ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Mikron, nhà sản xuất và xuất khẩu chip điện tử lớn nhất của Nga, nằm trong số 21 tổ chức và 13 cá nhân bị liệt vào danh sách trừng phạt. Tất cả tài sản tại Mỹ của họ bị phong tỏa và được báo cáo cho chính phủ Mỹ.
"Nga không chỉ tiếp tục vi phạm chủ quyền của Ukraine bằng hành động gây hấn vô cớ mà còn leo thang các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và trung tâm dân cư", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cáo buộc, cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục áp nhiều biện pháp trừng phạt Nga tới khi Moskva chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga đã nhiều lần khẳng định họ chỉ tấn công mục tiêu quân sự, không nhắm vào dân thường.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay trong danh sách trừng phạt còn có công ty phần mềm và công nghệ truyền thông AO NII-Vektor, công ty phần cứng T-Platforms và Viện nghiên cứu điện tử phân tử (MERI), đều làm việc cho chính phủ Nga.
Lệnh trừng phạt cũng nhằm vào OOO Serniya Engineering, công ty có trụ sở tại Moskva mà Mỹ cho rằng là trung tâm của mạng lưới tìm cách lách lệnh trừng phạt bằng cách che giấu khách hàng cuối cùng của "những công nghệ phương Tây quan trọng" như cơ quan tình báo và quân đội Nga. Hàng loạt cá nhân được cho là làm việc cho Serniya có tên trong lệnh trừng phạt.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moskva tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.
Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu, kim cương, hải sản và vodka Nga. Nước này và các đồng minh cũng bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, mở đường để tăng thuế áp với các mặt hàng của Nga.
Trong khi đó, Nga cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Một số sản phẩm trong ngành lâm nghiệp và đồ gỗ cũng bị cấm xuất khẩu đến "các quốc gia không thân thiện", gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Nga là nước sở hữu 1/5 diện tích rừng của thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận