24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ - Trung có thể hưởng lợi từ chiến cuộc ở Ukraine

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh yếu tố chính trị, chiến cuộc tại Ukraine cũng sẽ thay đổi trật tự bức tranh năng lượng toàn cầu khi "dòng chảy" đang hướng đến 2 cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.

Hàng loạt nước đã tăng cường lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine và điều quân vào nước này.

Tổng thống Biden cho biết trong đợt trừng phạt mới này, Mỹ sẽ không hành động một mình, mà 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các nước G7 sẽ cùng tham gia.

"Chúng sẽ gây ra thiệt hại nặng nề với nền kinh tế Nga, ngay lập tức và sau này. Chúng tôi thiết kế các biện pháp trừng phạt có chủ đích, nhằm tối đa hóa tác động lâu dài đến Nga, trong khi giảm thiểu tác động với Mỹ và các đồng minh", Tổng thống Joe Biden nói.

Mới đây, Nhật Bản cũng gia nhập danh sách mới nhất các nước tăng cường trừng phạt Nga, trong khi Trung Quốc lại có động thái hoàn toàn trái ngược.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ quan ngại về khủng hoảng Ukraine nhưng Bắc Kinh lại kiềm chế, tránh thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề này bất chấp áp lực từ Washington.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết mọi quốc gia có trách nhiệm trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, có nghĩa vụ thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin giảm leo thang khủng hoảng Ukraine.

Ông Price cho biết Mỹ rất quan ngại trước sự phát triển trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga.

Trước đó, ngày 5/2, trong ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông, Trung Quốc và Nga tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" và ủng hộ lẫn nhau về vấn đề liên quan đến Ukraine, Đài Loan.

"Chúng tôi nghĩ rằng Nga và Trung Quốc muốn có một trật tự thế giới. Nhưng đây là một trật tự đã và sẽ vô cùng phi tự do, một trật tự trái ngược với hệ thống mà các quốc gia trên thế giới đã xây dựng trong bảy thập kỷ qua", ông Price nói.

Thời điểm 'vàng' cho quan hệ hợp tác Trung - Nga?

Quan hệ thương mại mật thiết giữa Trung Quốc và Nga sẽ là nền tảng nâng đỡ về mặt kinh tế và ngoại giao khi Nga đối mặt với vô số lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và các đồng minh châu Âu nhằm đáp trả các động thái vừa qua tại Ukraine.

Anna Kireeva - Phó giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế Moscow, nhận định rằng: "Các tác động lên hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc sẽ khá giới hạn, chủ yếu là gắn với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các công ty làm ăn thương mại với Donetsk và Lugansk".

Vị Phó giáo sư này cho biết: "Trung Quốc đã làm ăn với các công ty năng lượng Nga vốn hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ như Novatek. Kế hoạch mà hai nước chọn là hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước, sử dụng nguồn vốn từ các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, giúp họ tự vệ trước các tác động gây tổn hại".

Bà nói thêm rằng, "Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào hoạt động nhập khẩu thiết bị công nghệ cao của Nga sẽ giúp nước này thúc đẩy quan hệ hợp tác công nghệ cao với Trung Quốc, mang lại nhiều cơ hội hơn về các dự án song phương có sử dụng công nghệ Trung Quốc".

Trong khi đó, Shi Yinhong, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân kiêm cố vấn cho Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết: "Thương mại của các công ty Trung Quốc với Nga sẽ bị ảnh hưởng nhưng Trung Quốc ít khả năng đối mặt với thách thức trực diện từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ giúp Nga theo một cách gián tiếp, chẳng hạn như một thỏa thuận vào ngày 18/2/2022 về việc Trung Quốc mua than đá của Nga".

Đồng quan điểm, ông Shalendra D. Sharma, quyền Trưởng Khoa Chính trị học của Đại học Lĩnh Nam, khẳng định: "Tác động lên Trung Quốc sẽ ở mức tối thiểu. Cuộc khủng hoảng Ukraine là không mới, và Bắc Kinh đã khôn ngoan tính tới các phí tổn tiềm tàng từ cuộc xung đột đó. Trung Quốc có thể giúp Nga về cả kinh tế và ngoại giao. Bắc Kinh vốn đã có mối quan hệ thương mại mật thiết với Moscow và họ hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu từ phía Nga".

Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trước thềm Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, hai nước đã nhất trí về một thỏa thuận về việc Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.

Sau đó, một thông cáo chung cho biết hai nước này sẽ "bước vào một kỷ nguyên mới với sự phát triển bền vững toàn cầu", kèm đó là một danh sách các tài liệu liên quan đến khí tự nhiên, công nghệ, thương mại, tài chính, nông nghiệp, và năng lượng xanh.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 cho Trung Quốc. Trước khi khủng hoảng Ukraine leo thang, Nga đã bắt đầu củng cố quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong khi giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng của châu Âu.

Tiến sĩ David Zweig - giám đốc của Transnational China Consulting, cho hay: "Trung Quốc có thể nhận được dầu giá rẻ, khi Nga đánh mất thị trường của mình ở châu Âu. Giá dầu thế giới có thể tăng, nhưng không phải là đối với Trung Quốc. Điều này đã xảy ra vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea".

Mỹ đứng ngoài cuộc?

Ông Alexander Clackson, người sáng lập tổ chức cố vấn chiến lược Global Poli Insight, có trụ sở tại Anh, cho rằng mối ưu tiên của Mỹ là biến Nga trở thành 'kẻ xâm lược' chính trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ông Clackson giải thích việc lôi kéo Nga vào cuộc xung đột sẽ có lợi cho Mỹ vì điều này sẽ cho phép Washington áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga và cô lập đất nước này trong mắt cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở đó, Washington sẽ giành được thị phần của Nga trong thị trường năng lượng châu Âu, cũng gia tăng nhu cầu mua vũ khí của Mỹ.

Chuyên gia tại Global Poli Insight nói: "Có những lợi ích thương mại nếu Nga xâm lược Ukraine. Đó là lý do tại sao Mỹ tiếp tục hành động để kích động Nga thực hiện một bước đi như vậy".

Về phần mình, nhà phân tích chính trị Alan Bailey tại Anh cho rằng chắc chắn Mỹ đang kích động các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Donetsk và Lugansk vì Washington muốn Nga lao vào một cuộc xung đột vũ trang toàn diện với Ukraine.

Một khi vũ khí của Nga vượt qua biên giới, lệnh trừng phạt lớn mà nhiều phương tiện truyền thông từng đề cập sẽ đi vào hoạt động. Và khi đó, Mỹ sẽ quay trở lại kế hoạch lớn nhất là cố gắng phá vỡ nền kinh tế Nga. Theo ông Bailey, đó là cách duy nhất để Mỹ đạt được mục tiêu vì Nga không thể bị đánh bại về mặt quân sự.

Ông Bailey nói thêm, Washington muốn một cuộc chiến mới để có thể lôi kéo Nga vào cuộc và nói với cả thế giới rằng: "Chúng tôi đã nói đúng về cuộc xâm lược của Nga! Hãy mua vũ khí của chúng tôi, hãy cho chúng tôi xây dựng căn cứ trên đất nước của bạn".

Nhà phân tích này cũng lưu ý rằng không phải tất cả mọi người ở phương Tây đều muốn chứng kiến chiến tranh nổ ra ở Ukraine, đặc biệt là một số cường quốc châu Âu như Pháp và Đức.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực năng lượng, bà Elena Panina, Giám đốc Viện Chiến lược Kinh tế và Chính trị Quốc tế cho biết việc Berlin tạm dừng dòng chảy phương Bắc 2 sẽ biến nước Đức và toàn bộ châu Âu thành "thuộc địa" của Mỹ.

"Trong bối cảnh giá khí đốt tăng chóng mặt, động thái này giống như cú giáng vào túi tiền của người dân Đức. Theo tính toán của các nhà kinh tế, việc tăng xuất khẩu khí đốt dù chỉ 20% cũng sẽ làm mức giá nhiên liệu xanh ở Đức giảm xuống hai lần. Giờ đây, Đức và toàn bộ châu Âu đang biến thành thị trường thuộc địa cho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ", bà Elena nói.

Giám đốc Viện Chiến lược Kinh tế và Chính trị Quốc tế nhấn mạnh, "Các biện pháp trừng phạt chống Nga thực ra là vỏ bọc ngụy trang cho việc Mỹ bắt đầu 'cướp bóc' kinh tế châu Âu mà trước hết là Đức. Kịch bản mà giới chuyên gia đã bàn luận từ lâu, như đang thấy, đã tạo ra cơ hội mới cho nền kinh tế Mỹ, qua đó tiếp sinh khí cứu vãn nền kinh tế đang nguy ngập vì những khó khăn và lạm phát cao bất thường".

Tuy nhiên, để trấn an cộng đồng quốc tế, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định rằng: "Các công ty dầu khí của Mỹ sẽ không lợi dụng thời điểm này để tăng giá nhằm gia tăng lợi nhuận".

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Viện Dầu khí Mỹ Mike Sommers cũng đã nói: "Các công ty của chúng tôi sẽ không bao giờ lợi dụng tình huống này để trục lợi". Ông Sommers lập luận rằng các công ty dầu mỏ của Mỹ muốn làm những gì tốt nhất cho người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Ông cũng cho biết ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã sẵn sàng bổ sung nguồn cung cần thiết trong bối cảnh số lượng giàn khoan tăng và dự báo sản lượng dầu của Mỹ cao hơn.

"Chúng tôi đang tập trung vào việc đảm bảo châu Âu sẽ được cung cấp đầy đủ nguồn cung từ góc độ năng lượng", ông Sommers nói.

Trong một động thái mới nhất, Mỹ cũng đang tính đến phương án giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp để đáp ứng 'cơn khát' năng lượng của châu Âu.

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả