Mỹ: Tổng thống Trump có bị phế truất?
Mùa lễ Giáng sinh và Năm mới năm nay, nước Mỹ rộn ràng với lễ lạt thì ít mà bàn tán chuyện “phế truất” tổng thống nhiều hơn.
“Chúng tôi tạm ngưng tinh thần ngày lễ để đưa đến các bạn vụ luận tội Tổng thống”, hãng tin Mỹ Associated Press (AP) mở đầu bản tin ngày 19-12. Đêm trước đó, lúc 9 giờ tối ngày 18-12, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump với hai tội danh: lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Ông Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị Quốc hội luận tội (impeach).
Ở tội danh thứ nhất, ông Trump bị cáo buộc đã dùng khoản viện trợ quân sự 400 triệu đô la mà Mỹ dành cho Ukraine để gây áp lực buộc Chính phủ Ukraine phải công khai điều tra về hành vi được cho là “tham nhũng” của ông Joe Biden khi ông này còn là Phó tổng thống Mỹ, cũng như điều tra hoạt động của ông Hunter Biden, con trai ông Joe, cựu quản lý cấp cao của một tập đoàn dầu khí Ukraine. Ông Joe Biden là một ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ để ra ứng cử tổng thống năm 2020 - có tiềm năng đối đầu với ông Trump ở đảng Cộng hòa. Do vậy, yêu sách của ông Trump bị coi là lợi dụng thế lực nước ngoài để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trong nước, thu lợi chính trị cho cá nhân, một điều mà Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm.
Khi sự kiện ông Trump gây áp lực với Tổng thống Ukraine bị phanh phui, Hạ viện Mỹ đã nhiều lần gửi trát đòi các quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ ra điều trần và yêu cầu Nhà Trắng phải cung cấp tài liệu, thư tín, ghi âm điện thoại... có liên quan tới sự việc cho các ủy ban điều tra. Tuy nhiên, ông Trump không cho phép các quan chức dưới quyền ra khai báo; bản thân ông cũng từ chối ra điều trần theo “lời mời” của Chủ tịch Hạ viện. Trong hai tháng điều tra với hàng chục phiên điều trần “kín” và công khai, chỉ có một số “cựu” quan chức ngoại giao và tình báo - hoặc đã thôi việc, hoặc bị mất việc, ra làm chứng trước Hạ viện. Hành vi của ông Trump và Nhà Trắng bị các dân biểu đảng Dân chủ quy vào tội danh “cản trở Quốc hội”.
Đảng Dân chủ cho rằng với hai tội danh như trên, ông Trump phải bị luận tội. Trong cuộc bỏ phiếu luận tội ngày 19-12, hầu hết dân biểu Dân chủ bỏ phiếu thuận, toàn bộ dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu chống - phản ánh tình trạng phân cực rất gay gắt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong nền chính trị Mỹ. Phe Cộng hòa vẫn cho rằng vụ luận tội Tổng thống Trump là một mưu toan chính trị của đảng Dân chủ nhằm loại bỏ ông Trump khỏi cương vị tổng thống, hoặc gây hại cho cuộc vận động tái tranh cử năm 2020 của ông. Do đảng Dân chủ chiếm đa số ghế Hạ viện, và cuộc bỏ phiếu có đa số phiếu thuận, nên vụ luận tội tổng thống với hai tội danh được chính thức thông qua.
Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện - nhân vật quyền lực thứ ba trong guồng máy chính trị Mỹ, cho rằng để bảo vệ Hiến pháp, Quốc hội không có lựa chọn nào khác là phế truất tổng thống.
Sau khi Hạ viện bỏ phiếu đồng ý luận tội và nêu tội danh, Thượng viện Mỹ sẽ mở “phiên xử” (impeachment trial) để quyết định xem có “phế truất” tổng thống hay không. Thượng viện Mỹ hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số nên rất có khả năng ông Trump sẽ được “tha bổng”, sẽ không bị phế truất như ý muốn của Hạ viện. Hai mươi năm trước, năm 1999, Tổng thống Bill Clinton đã từng bị Hạ viện, do phe Cộng hòa kiểm soát, luận tội, nhưng sau đó được Thượng viện, đảng Dân chủ chiếm đa số, tha bổng trong vụ tai tiếng “man khai trước Quốc hội” về vụ tình ái với cô thực tập sinh Monica Lewinsky.
“Phiên xử” ông Trump ở Thượng viện dự kiến diễn ra trong tháng 1-2020, nhưng cho đến cuối tháng 12-2019, Hạ viện Mỹ vẫn chưa chuyển hồ sơ cho Thượng viện xem xét. Bà Pelosi và đảng Dân chủ yêu cầu phiên xử phải có các nhân chứng là quan chức cao cấp nhất của Nhà Trắng, gồm ông Mick Mulvaney, Chánh văn phòng Nhà Trắng; Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - những người trước đây đã bị ông Trump ngăn cản, không cho ra điều trần trước Hạ viện. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện, không đồng ý.
Mãi đến thứ Hai, ngày 23-12, ông McConnell mới tỏ ý chấp thuận mời một số nhân chứng mà đảng Dân chủ yêu cầu, với ý muốn kết thúc nhanh tiến trình luận tội, sớm “xóa tội” cho Tổng thống Trump. Để “phế truất” một tổng thống, Thượng viện cần có ít nhất 67 phiếu thuận, tức 2/3 tổng số thượng nghị sĩ - một đa số khó đạt được trong tình huống hiện nay. Hiện trong 100 ghế Thượng viện, đảng Cộng hòa chiếm đa số với 53 ghế, đảng Dân chủ 45 ghế và 2 ghế độc lập. Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng tin rằng đảng Dân chủ sẽ không bao giờ đạt được 67 phiếu để phế truất ông Trump, mà có khi cuộc luận tội sẽ có “tác dụng ngược”, gây hại cho chính đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Cũng như Quốc hội, công luận Mỹ chia rẽ sâu sắc chung quanh vấn đề có nên phế truất ông Trump hay không. Kết quả thăm dò ý kiến do trang The Hill công bố sáng thứ Hai cho thấy 49% số người được hỏi “chấp nhận” ông Trump, tăng 3% so với cuộc khảo sát hồi đầu tháng; 51% phản đối, giảm 3% so với trước. Cuộc thăm dò được tiến hành ngày 8 và 9-12, trước khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội nhưng sau các cuộc điều trần công khai về hành vi của Tổng thống Trump. Một cuộc thăm dò khác do báo Politico tiến hành sau cuộc bỏ phiếu luận tội của Hạ viện ghi nhận 52% số người được hỏi tán thành quyết định của Hạ viện, 43% không tán thành và 5% không có ý kiến.
Sự bất đồng ý kiến không chỉ thể hiện trên báo chí, truyền hình mà còn len lỏi vào từng gia đình, gây đối nghịch giữa cha con, vợ chồng... chắc chắn sẽ khiến cho mùa lễ Giáng sinh và Năm Mới năm nay ở Mỹ có những “hương vị” riêng mà không năm nào có được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận