Mỹ tiếp tục dẫn dắt kinh tế toàn cầu
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm nay và năm 2025 nhờ đầu tư của doanh nghiệp tăng, chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng.
Tổ chức có trụ sở Washington cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong nhóm cường quốc công nghiệp G7 trong năm 2024. Điều đó cho thấy, Mỹ tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu.
Mỹ đi lên, Trung Quốc đi xuống về triển vọng tăng trưởng
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới, công bố hôm 22-10, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ nhưng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).
IMF cho biết, những thay đổi về này sẽ khiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 không thay đổi so với mức dự báo 3,2% đưa ra hồi tháng Bảy. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến đạt 3,2% vào năm 2025, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của IMF hồi tháng 7.
Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas đánh giá, nền kinh tế của Mỹ, Ấn Độ và Brazil có triển vọng “hạ cánh mềm”, trong đó lạm phát hạ nhiệt và không xảy ra mất việc làm trên diện rộng.
IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2024 lên 2,8%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7, nhờ mức tiêu dùng nội địa mạnh hơn dự kiến trong bối cảnh tiền lương và giá cả tài sản tăng, đồng thời đầu tư của doanh nghiệp mạnh mẽ. Vào thời điểm này năm ngoái, IMF dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại về mức 1,5% trong năm 2024.
Tổ chức cho vay toàn cầu này cũng nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2025 thêm 0,3 điểm điểm phần trăm, lên 2,2%.
Trái lại, IMF giảm dự báo tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc 0,2 điểm phần trăm, xuống 4,8%. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2025 của IMF không thay đổi ở mức 4,5%, nhưng triển vọng này chưa tính đến bất kỳ tác động nào từ kế hoạch kích thích tài khóa mà Bắc Kinh công bố gần đây.
IMF dự báo Đức, nền kinh tế lớn nhất eurozone, sẽ chứng kiến mức tăng trưởng bằng 0 trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo gần đây nhất. Điều này chủ yếu là do lĩnh vực sản xuất trong nước tiếp tục gặp khó khăn. Dự báo tăng trưởng chung của eurozone cũng giảm nhẹ xuống mức 0,8% trong năm 2024 và 1,2% trong năm 2025. Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản năm 2024 giảm 0,4 điểm phần trăm xuống còn 0,3% do ảnh hưởng kéo dài của sự gián đoạn nguồn cung trong ngành công nghiệp ô tô.
Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng với mức tăng trưởng dự kiến mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn là 7% trong năm 2024 và 6,5% vào năm 2025.
Biểu đồ của IMF dự báo tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 của nền kinh tế toàn cầu (trái), nhóm các nền kinh tế phát triển (giữa), nhóm các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (phải). Ảnh: imf.org
Cuộc chiến chống lạm phát đến gần thắng lợi cuối cùng
IMF dự đoán, lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ 6,7% năm ngoái xuống 5,8% trong năm nay và xuống 4,3% vào năm 2025. Tổ chức này ước tính tốc độ lạm phát sẽ giảm nhanh hơn ở nhóm nước giàu có, từ mức trung bình 4,6 % vào năm ngoái xuống 2,6% trong năm nay và 2% vào năm 2025.
Lạm phát chậm lại, sau nhiều năm giá cả tăng cao do hậu quả của đại dịch Covid-19, đã khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất trong năm nay.
“Có vẻ như cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu đã đến gần thắng lợi cuối cùng, ngay cả khi áp lực giá cả vẫn tiếp diễn ở một số nước. Ở hầu hết các nước, lạm phát đang dao động về gần mục tiêu của ngân hàng trung ương”, ông Gourinchas bình luận.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, có nguy cơ chính sách tiền tệ có thể trở nên quá thắt chặt nếu một số nước không giảm lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt. Điều này có thể gây áp lực lên tăng trưởng và việc làm.
Lạm phát bắt đầu tăng mạnh khi nền kinh tế thế giới phục hồi với tốc độ nhanh chóng từ cơn suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19, Tuy nhiên, chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương lớn, cùng với sự kết thúc của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến lạm phát toàn cầu giảm tốc đáng kể so với mức cao nhất trong bốn thập niên được ghi nhận vào giữa năm 2022.
Chuyên gia Gourinchas nhận xét, lạm phát toàn cầu giảm tốc rõ rệt nhưng suy thoái kinh tế toàn cầu không xảy ra là một thành tựu lớn.
Triển vọng xấu cho kinh tế thế giới nếu cuộc chiến thuế xảy ra
Tuy nhiên, IMF lưu ý, triển vọng kinh tế thế giới có thể thay đổi nếu xảy ra cuộc chiến áp thuế giữa các nền kinh tế lớn.
Tại Mỹ, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố rằng, nếu đắc cử, ông áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với hàng nhập khẩu từ các nước còn lại trên toàn cầu.
IMF nêu ra một kịch bản bất lợi đối với kinh tế thế giới, trong đó, Mỹ, khu vực eurozone và Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 10% nhằm vào hàng hóa của nhau, và Mỹ áp thuế 10% đối với hàng hóa của các nước còn lại trên toàn cầu. Đồng thời, làn sóng nhập cư vào Mỹ và châu Âu chậm lại và cơn hỗn loạn của các thị trường làm thắt chặt các điều kiện tài chính. Nếu kịch bản này xảy ra, IMF cho biết, GDP toàn cầu chỉ tăng trưởng 0,8% vào năm 2025 và 1,3% vào năm 2026.
Những rủi ro khác được nêu trong báo cáo của IMF bao gồm khả năng giá dầu và các mặt hàng khác tăng đột biến nếu xung đột ở Trung Đông và Ukraine lan rộng.
IMF cảnh báo, các nước không nên theo đuổi các chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước để bảo vệ việc làm. Bới tổ chưc này nhìn nhận, các chính sách như vậy thường không mang lại sự cải thiện bền vững về mức sống của người dân.
“Tăng trưởng kinh tế phải đến từ những cải cách trong nước đầy tham vọng, giúp thúc đẩy công nghệ và đổi mới, cải thiện tính cạnh tranh và phân bổ nguồn lực, hội nhập kinh tế hơn nữa và kích thích đầu tư tư nhân hiệu quả”, Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận