Mỹ: Thâm hụt thương mại lên mức 63,6 tỷ USD, cao nhất trong 12 năm
Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 7 vừa qua, nhập khẩu của nước này đã tăng gần 11%, khiến thâm hụt thương mại tăng 18,9% lên 63,6 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 7/2018.
Thâm hụt thương mại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm qua khi kim ngạch nhập khẩu tăng vọt, cho thấy hoạt động thương mại có thể kéo tăng trưởng kinh tế trong quý 3 đi xuống.
Ngày 3/9, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 7 vừa qua, nhập khẩu của nước này đã tăng gần 11%, khiến thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 18,9% lên 63,6 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 7/2018 và cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia kinh tế.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu đã tăng 10,9% lên mức 231,7 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng 8,1% lên 168,1 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh gồm các phương tiện, linh kiện và động cơ, hàng tiêu dùng.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu việc làm cho thấy trong tuần kết thúc ngày 29/8, nền kinh tế đầu tàu thế giới ghi nhận thêm 881.000 lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.
Đây là lần thứ hai số lao động nộp xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm xuống dưới 1 triệu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được bảo hiểm đã giảm 0,8% xuống còn 9,1% trong tuần kết thúc vào ngày 22/8.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, số lao động nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong một tuần chưa bao giờ vượt qua mức 700.000 kể cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2008-2009.
Do tác động của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, các doanh nghiệp ở Mỹ đã cắt giảm hàng triệu việc làm và chỉ khôi phục một phần trong các tháng gần đây khi nhiều bang ở nước này bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.
Một báo cáo được công ty tư vấn việc làm và đào tạo Challenger, Gray & Christmas công bố ngày 3/9 cho thấy tình hình cắt giảm việc làm tại Mỹ từ đầu năm tới nay đã tăng vọt 231% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tàn phá nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Theo báo cáo, mặc dù tốc độ sa thải nhân viên đang chậm lại, song số lượng cắt giảm việc làm được các nhà tuyển dụng công bố trong tháng 8 đã vượt quá mức kỷ lục trong một năm được ghi nhận hồi năm 2001.
Các hãng hàng không là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự sụt giảm mạnh nhu cầu của hành khách vì dịch COVID-19. Riêng ngành vận tải đã cắt giảm tới 131.571 việc làm trong năm nay, cao hơn gần 500% so với năm 2019.
Đây là số liệu được ghi nhận trước khi hãng hàng không United Airlines ngày 2/9 thông báo cắt giảm khoảng 16.000 nhân viên do dịch COVID-19./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận