24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế

Cho đến nay, Mỹ là nước chịu thiệt hại lớn nhất từ đại dịch Covid-19, cả về y tế lẫn kinh tế. Để nền kinh tế số 1 hành tinh không bị quật ngã trước đại dịch, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành hàng loạt biện pháp hỗ trợ chưa từng có.

Thiệt hại 16.000 tỷ USD?

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự kiến đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ 16.000 tỷ USD trong 10 năm tới. Khi điều chỉnh theo lạm phát, đại dịch được dự đoán gây thiệt hại 7.900 tỷ USD, tương đương 3% GDP thực tế đến năm 2030. Tuy nhiên, Phillip L. Swagel, Giám đốc CBO, thừa nhận khoảng cách trong những ước đoán vẫn còn lớn, vì cho đến nay vẫn chưa biết đại dịch Covid-19 sẽ diễn tiến như thế nào, cũng như tác động của giãn cách xã hội và các quy định được ban hành bởi Chính phủ liên bang.

Bloomberg Economics cho biết hầu hết chỉ số của nền kinh tế Mỹ đều sụt giảm kỷ lục. Chuyên gia kinh tế của Bloomberg, ông Emilya Winger, cho biết niềm tin của người tiêu dùng đã giảm 0,4 điểm xuống 42,9 trong tuần kết thúc vào ngày 5-7. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm dù còn 1,31 triệu trong tuần kết thúc vào ngày 4-7, nhưng vẫn tăng gấp đôi so với mức cao nhất trong cuộc suy thoái kinh tế lần trước (2008). Một triển vọng xấu đang được đặt ra, sau khi các tiểu bang bao gồm Texas và Florida trì hoãn kế hoạch mở lại trong bối cảnh các ca Covid-19 tăng vọt.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Dallas Robert Kaplan cảnh báo hôm 12-7 rằng sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 đang làm tắt đi sự phục hồi kinh tế. “Số người nhập viện gia tăng và tỷ lệ tử vong đang có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế" - Kaplan nói.

Những tên tuổi lớn phá sản

Từ các cửa hàng bách hóa mang tính biểu tượng cho đến những người khổng lồ ngành giải trí ở Mỹ đã phải nộp đơn xin phá sản. Mặc dù phá sản không có nghĩa công ty sẽ ngừng hoạt động mà là tái cấu trúc tài chính, nhưng đó vẫn là bước đường cùng cho nhiều doanh nghiệp (DN). Đã có rất nhiều tên tuổi lớn ở Mỹ nộp đơn xin phá sản kể từ khi bắt đầu đại dịch cho đến ngày 15-5. Đầu tiên là Dean & Deluca, nhà bán lẻ thực phẩm cho người sành ăn ở thành phố New York, nộp đơn xin phá sản vào ngày 31-3. Tiếp theo, Sur La Table, nhà bán lẻ dụng cụ nấu ăn, cũng nộp đơn xin phá sản ngày 8-7. Trước mắt công ty có trụ sở tại Seattle này dự định đóng cửa 56 trong số hơn 125 cửa hàng.

Ngoài ra, Apex Parks, công ty sở hữu và điều hành 14 công viên giải trí và công viên nước ở New Jersey, California và Florida, cũng nộp đơn xin phá sản ngày 8-4. CMX Cinemas, chuỗi rạp chiếu phim nộp đơn xin phá sản ngày 25-4. Ngày 7-5, cửa hàng bách hóa xa xỉ Neiman Marcus nộp đơn xin phá sản. JCPenney được thành lập cách đây hơn 1 thế kỷ, là một trong những cửa hàng bách hóa đầu tiên của Mỹ. Còn chuỗi vitamin và bổ sung GNC đã nộp đơn xin phá sản ngày 23-6. GNC vận hành gần 3.000 cửa hàng trên toàn quốc. Công ty đã đưa ra kế hoạch đóng cửa 800-1.200 cửa hàng…

Đạo luật CARES

Để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch, ngày 27-3, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua Đạo luật Viện trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế (CARES) trị giá hơn 2.000 tỷ USD. Đây là cam kết bảo vệ người dân và DN Mỹ khỏi các tác động kinh tế và sức khỏe cộng đồng của Covid-19. Đạo luật CARES cung cấp hỗ trợ kinh tế nhanh chóng và trực tiếp cho công nhân, gia đình và DN nhỏ của Mỹ, duy trì việc làm cho các ngành công nghiệp Mỹ.

CARES đã phân bổ 500 tỷ USD cho Quỹ Bình ổn kinh tế để hỗ trợ các DN, tiểu bang và thành phố đủ điều kiện. CARES cũng đưa ra chương trình cho vay DN nhỏ trị giá 669 tỷ USD, được gọi là Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP). Hầu hết công ty có nhiều nhất 500 nhân viên đều đủ điều kiện nhận quỹ PPP. Nhiều công ty nhỏ cho biết đã "sống sót" nhờ PPP. Chính phủ cũng mở rộng các khoản cho vay của Cơ quan quản lý DN nhỏ (EIDL) chi trả cho các tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm các tổ chức tôn giáo. Một hồ sơ EIDL có thể được vay 25.000 tới 2 triệu USD. Mỗi EIDL có lãi suất thấp và có thời hạn lên tới 30 năm. Người nộp đơn EIDL có thể nhận được khoản thanh toán trước 10.000USD. CARES cũng cho Bộ trưởng Tài chính quyền hạn cho vay hoặc bảo lãnh khoản vay cho các tiểu bang, thành phố và DN đủ điều kiện.

CARES cho phép người sử dụng lao động trì hoãn việc thanh toán thuế an sinh xã hội trong tối đa 2 năm. Việc thanh toán một phần thuế tương ứng với phần thuế an sinh xã hội của người sử dụng lao động cũng có thể được hoãn lại tới 2 năm. Đạo luật cũng cung cấp khoản tín dụng thuế giữ chân nhân viên được hoàn lại cho các chủ lao động có hoạt động bị đình chỉ, hoặc doanh thu của họ đã giảm đáng kể do Covid-19. Tín dụng thuế bằng 50% tiền lương đủ tiêu chuẩn được trả trong khoảng thời gian từ ngày 13-3 đến 31-12-2020. Tín dụng tối đa 5.000USD mỗi nhân viên.

CARES tăng khấu trừ thuế cho các khoản lỗ hoạt động ròng từ 80% lên 100%, cho năm 2018, 2019 và 2020; đình chỉ giới hạn 500.000 USD đối với các khoản lỗ hoạt động ròng được khấu trừ thuế cho đến năm 2021; cho phép các khoản lỗ hoạt động ròng từ năm 2018, 2019 và 2020 được mang về tối đa 5 năm, dẫn đến hoàn thuế hồi tố. CARES cũng tăng giới hạn cho hầu hết các khoản đóng góp từ thiện được khấu trừ thuế từ 10% đến 25% thu nhập cho các tập đoàn; tăng giới hạn khấu trừ thuế cho các khoản đóng góp từ thiện của hàng tồn kho thực phẩm từ 15% lên 25% thu nhập.

Hỗ trợ cá nhân

Theo đạo luật CARES, một số cá nhân nhận được séc qua thư, trong khi những người khác nhận được tiền gửi trực tiếp trong tài khoản ngân hàng của họ. CARES cung cấp tín dụng so với thuế thu nhập cá nhân năm 2020 cho các cá nhân đủ điều kiện. Các khoản thanh toán tạm ứng này được gửi cho mọi người vào tháng 4-2020. Theo đó, số tiền hỗ trợ 2.400USD cho mỗi cặp vợ chồng kết hôn, hoặc 1.200USD cho cá nhân khác và 500USD cho mỗi người phụ thuộc là trẻ em đủ điều kiện dưới 17 tuổi vào ngày 31-12-2020.

CARES bồi thường thất nghiệp liên bang (FPUC) thêm 600USD mỗi tuần cho người nhận trợ cấp thất nghiệp, ngoài số tiền được phân bổ bởi từng bang; bồi thường thất nghiệp khẩn cấp (PEUC) thêm 13 tuần nữa cho người đã hết tiền trợ cấp thất nghiệp… CARES cũng tạo ra quỹ cứu trợ giáo dục đại học trị giá 14 tỷ USD, cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt cho sinh viên đại học, công nghệ, thực phẩm, nhà ở và chăm sóc trẻ em. Với các khoản thanh toán gốc và lãi cho vay của sinh viên, người lao động, số tiền tối đa được miễn thuế 5.250USD/người…

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả