Mỹ-Taliban có tỉnh ngộ?
Mỹ tìm diệt al-Qaeda sau loạt khủng bố 11/9/2001 rồi tấn công vào Afghanistan và lật đổ Taliban. Ngay lúc đó, thủ lĩnh Taliban Mohammed Omar thề rằng họ sẽ quay trở lại Kabul.
Suốt 20 năm qua, các thủ lĩnh và tay súng của Taliban vẫn quyết thực hiện mục tiêu ấy. Bây giờ, xem như họ đã thành công trong thực hiện lời thề của Omar. Đó là lý do đầu tiên để họ trở lại Kabul.
Suốt 20 năm qua và cả trước đó, Taliban không chấp nhận bất cứ đội quân nước ngoài phi Hồi giáo nào có mặt trên lãnh thổ Afghanistan. Hơn nữa, trong quan hệ giữa Mỹ, phương Tây với Taliban, dường như chỉ có Taliban hiểu đối thủ, còn Mỹ và phương Tây có vẻ không hiểu Taliban.
Trước đây, Mỹ thông qua bên thứ ba giúp Taliban đối đầu với Liên Xô, rồi sau này Mỹ quay sang đánh Taliban, để rồi đến thời chính quyền Donald Trump lại muốn bắt tay lực lượng này. Nói nôm na là Mỹ không “nắm” được địch. Các chính quyền khác nhau ở Kabul do Mỹ hậu thuẫn từ năm 2001 đến nay luôn bị Taliban phủ nhận vì yếu kém, tham nhũng, bè phái và phụ thuộc vào Mỹ.
Trong khi đó, Washington thiếu sự nhất quán và đường hướng rõ ràng trong chính sách với Afghanistan, một phần do thay đổi chính quyền định kỳ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà.
Washington dưới thời Trump đã xúc tiến đàm phán với Taliban ở Doha, có lúc cũng đạt được tiến triển, nhưng bước lúng túng cuối cùng là ra lệnh rút hết quân khỏi Afghanistan. Mỹ rút thì các nước phương Tây trong NATO cũng rút, tạo thời cơ không thể tốt hơn cho Taliban. Taliban tiến vào Kabul vào thời điểm thuận lợi hơn bao giờ hết.
Điểm lại lịch sử, các cuộc đưa quân ra nước ngoài của Mỹ đại đa số thất bại. Những thất bại ở Trung Đông và Tây Nam Á, nhất là với người Hồi giáo, nặng nề hơn cả. Chính quyền ở Washington sau thất bại lần này nên rút ra bài học rằng họ không bao giờ nên lặp lại những cuộc chinh chiến như vậy, đặc biệt ở khu vực Trung Đông và với người Hồi giáo.
Hình ảnh lính Mỹ bị kéo lê xác trên đường phố Mogadishu của Somalia trong nhiều giờ liền vào năm 1993 vẫn còn được nhắc lại. Đó còn là những thất bại ê chề ở Iraq, Syria và Libya, dù tốn bao nhiêu tiền của. Với Afghanistan là hơn 2.000 tỷ USD và khoảng 3.600 binh lính thiệt mạng, chưa kể của đồng minh. Đó là tổn thất đau đớn cho Mỹ, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang chìm trong cuộc khủng hoảng y tế và suy thoái kinh tế hiện nay.
Thế nhưng sau khi Taliban vào Kabul, đã có một số nghị sĩ Cộng hoà lên án Tổng thống Joe Biden và đòi phải ném bom Kabul. Họ đổ lỗi thất bại này là do ông Biden rút quân và đòi trở lại để không kích Taliban. Làm như vậy chỉ đốt tiền và nướng quân thêm, không bao giờ thành công ở những chiến trường như thế.
Taliban khi cai quản Afghanistan cách đây hơn 20 năm chỉ được 3 quốc gia công nhận, gồm Pakistan, Ả-rập Xê-út và UAE. Khi quay lại nắm quyền, lực lượng này trước tiên phải thay đổi hình ảnh, chứ không thể cực đoan, hà khắc như ngày xưa (người dân nghe thấy đã sợ).
Kinh nghiệm hơn 20 năm qua khi không quản lý đất nước cũng khiến Taliban hiểu rằng trong một thế giới như hiện nay, họ phải ứng xử như thế nào khi quản trị một quốc gia. Taliban cũng sẽ phải giảm bớt tham nhũng, tệ nạn, phụ thuộc vào bên ngoài. Đất nước sẽ phải cởi mở hơn và hội nhập khu vực và quốc tế hơn. Việc Taliban áp dụng trở lại luật hồi giáo Sharia còn là một dấu hỏi, nhưng có thể họ sẽ không áp dụng trên toàn quốc.
Taliban có thể sẽ không để Afghanistan thành nơi trú ngụ của nhiều lực lượng khủng bố như trước kia nữa, để tránh bị thế giới ghét và phương Tây đánh. Nói thế không có nghĩa là Taliban thay đổi hẳn; họ sẽ vẫn cứng rắn, cực đoan, nhưng không để đất nước biến thành nơi trú ngụ của các lực lượng phát động hoạt động khủng bố ra toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận