Mỹ siết an ninh trước D-day
Mỹ siết an ninh toàn quốc cho cuộc bầu cử kịch tính hàng đầu lịch sử, trong bối cảnh nhiều mối đe dọa tiềm tàng hiện hữu.
Chỉ còn một ngày nữa hàng triệu cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu chọn nhà lãnh đạo đất nước trong bốn năm tiếp theo. Cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là kịch tính bậc nhất và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao ở cả trong và ngoài nước, đặt ra yêu cầu lớn trong việc đảm bảo an ninh xuyên suốt thời gian bầu cử.
Những lo ngại về an ninh trước bầu cử Mỹ
Theo trang Council on Foreign Relations, khi ngày bầu cử đến gần, Mỹ đứng trước mối đe dọa về an ninh cực lớn với nhiều phe phái cực đoan đe dọa phá hoại tiến trình bầu cử.
Hai vụ ám sát hụt với cựu Tổng thống Donald Trump làm nổi bật sự bất ổn trong bối cảnh rất nhiều âm mưu tấn công bị phá vỡ, số lượng lời đe dọa với các quan chức nhà nước tăng kỷ lục cũng như những lời lẽ mang tính bạo lực ngày càng nhiều.
Thời điểm vài ngày hoặc vài tuần sau bầu cử được coi là thời điểm có nguy cơ xuất hiện các vụ tấn công bạo lực cao nhất, đặc biệt nếu chưa thể xác định rõ ràng rằng ứng viên nào giành chiến thắng.
Theo các chuyên gia, sự không chắc chắn như vậy tạo ra nhiều không gian hơn cho các thuyết âm mưu và có thể làm tăng đáng kể tình trạng bất ổn chính trị hoặc thậm chí là bạo lực trong các cộng đồng địa phương.
Chẳng hạn vào năm 2020, các trung tâm kiểm phiếu ở các quận và TP chiến trường như quận Maricopa (bang Arizona), TP Philadelphia (bang Pennsylvania) và Detroit (Michigan) đã chứng kiến các cuộc biểu tình cực đoan và âm mưu khủng bố.
Năm nay, những người cực đoan cực hữu được đánh giá là mối đe dọa lớn nhất sau sự cố bạo lực tại Điện Capitol hồi ngày 6-1-2021.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã ra cảnh báo về “nguy cơ gia tăng” bạo lực từ những người cực đoan cố gắng phá hoại các lá phiếu - một bước đi mà nếu thành công, có thể đẩy Mỹ vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Gần đây, các thùng phiếu ở TP Portland (bang Oregon) và TP Vancouver (bang Washington) đã bị phóng hỏa. Cảnh sát chưa có kết luận về các vụ việc này và vẫn đang tiếp tục điều tra.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng bày tỏ lo ngại về những “kẻ thù nước ngoài” tìm cách lợi dụng thời điểm bất ổn này để truyền cảm hứng hoặc phát động các hành động bạo lực ở Mỹ.
Tình trạng bất ổn được dự đoán là có thể tiếp tục cho đến ngày tổng thống đắc cử nhậm chức (20-1- 2025) và thậm chí có thể kéo dài hơn nữa.
Mỹ siết an ninh mọi cấp độ
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng Mỹ đã tăng cường mức độ an ninh từ cấp tiểu bang đến liên bang.
Từ ngày 3-11, Mật vụ Mỹ đã dựng hàng rào kim loại cao gần 2,5 m xung quanh Nhà Trắng và khu phức hợp Bộ Tài chính, các khu vực lân cận cũng như nơi ở của Phó Tổng thống Kamala Harris (ứng viên đảng Dân chủ).
Xung quanh Điện Capitol, nhiều rào chắn được lắp đặt với biển báo ghi rõ “Ranh giới cảnh sát: Không được vượt qua”. Mật vụ Mỹ cũng đang triển khai các biện pháp an ninh bên ngoài trung tâm hội nghị West Palm Beach (bang Florida), nơi ông Trump sẽ tổ chức tiệc trong đêm bầu cử, theo tờ The Washington Post.
Các rào chắn bên ngoài Điện Capitol, thủ đô Washington D.C, (Mỹ). Ảnh: THE WASHINGTON POST
“Cơ quan Mật vụ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên bang, tiểu bang và địa phương tại Washington D.C, và Palm Beach để đảm bảo mức độ an ninh cao hơn trong Ngày bầu cử. Sự tăng cường này không nhằm ứng phó với bất kỳ vấn đề cụ thể nào mà là một phần của các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới” - theo tuyên bố ngày 3-11 của Mật vụ Mỹ.
Trước đó, vào tháng 9, chính phủ Mỹ cho biết sẽ tăng cường an ninh tại Điện Capitol trong ngày quốc hội Mỹ chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống sau khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ chỉ định sự kiện này là “sự kiện an ninh đặc biệt cấp quốc gia”.
Ở cấp tiểu bang, theo hãng tin Bloomberg, nhiều bang đang nỗ lực thiết lập các biện pháp an ninh cho các nhân viên bầu cử cũng như lá phiếu, không chỉ vào ngày 5-11 mà cho đến khi có kết quả cuối cùng.
Tại thủ đô Washington D.C, trong nhiều tuần, chính quyền địa phương cho biết không phát hiện bất kỳ mối đe dọa đáng nào trong khu vực. Tuy nhiên, càng gần ngày bầu cử, nguy cơ về các mối đe dọa càng hiện hữu,
Tuần trước, cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát thủ đô Washington D.C, - ông Pamela A. Smith cho biết tất cả 3.300 cảnh sát đủ điều kiện sẽ được triển khai làm việc theo ca để đảm bảo “có đủ cảnh sát trên đường phố và ở mọi ngóc ngách” của thủ đô.
Hãng Reuters hôm 29-10 đưa tin quan chức tại các bang chiến trường đang chuẩn bị ứng phó với thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, lời lẽ đe dọa và khả năng xảy ra bạo lực.
Tại Philadelphia, Detroit và Atlanta, nơi cựu tổng thống Trump từng cáo buộc có gian lận bầu cử, quan chức địa phương đã tăng cường an ninh để phòng ngừa tình huống hỗn loạn. Địa điểm kiểm phiếu của Philadelphia hiện được bao quanh bởi hàng rào có dây thép gai. Một số trụ sở văn phòng ở Detroit và Atlanta được bảo vệ bằng kính chống đạn.
Tại bang Wisconsin, các nhân viên bầu cử đã được đào tạo về các kỹ thuật giảm leo thang và các trạm bỏ phiếu được sắp xếp lại để nhân viên có đường thoát hiểm nếu bị người biểu tình đe dọa.
Ở Arizona, nơi được xem là “tâm chấn” vào năm 2020 sau các cáo buộc của đảng Cộng hòa về việc gian lận bầu cử, sở ngoại vụ bang đã làm việc với các quan chức địa phương về cách ứng phó với thông tin sai lệch, hình ảnh giả mạo,...
Mối quan ngại không chỉ ở các bang chiến trường. Theo Reuters, Thống đốc bang Washington Jay Inslee ngày 1-11 nói rằng ông đã triển khai một số thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia để trực chiến sau khi có thông tin và lo ngại về khả năng bạo lực liên quan bầu cử.
CNN đưa tin rằng Lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng đang trực chiến ở các bang Oregon và Nevada để phòng ngừa tình trạng bất ổn “có thể xảy ra” trong thời gian bầu cử.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận