24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ sẽ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Việc được Mỹ công nhận là có nền kinh tế thị trường sẽ giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong các hoạt động giao thương quốc tế.

Chỉ còn thủ tục

“Theo tôi được biết thì phía Mỹ đã trình lên Tổng thống Mỹ về vấn đề công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường rồi, vấn đề chỉ còn là thời gian nữa thôi”, ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Mỹ nói. Theo nhà đàm phán kỳ cựu này, việc ký văn bản công nhận chỉ còn là vấn đề thủ tục đối với phía Mỹ.

Còn nhớ, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng rất “vất vả” với vấn đề này trong quá khứ mà cú vấp đầu tiên chính là các vụ kiện liên quan đến bán phá giá. Vì chưa được công nhận là kinh tế thị trường, khi xảy ra các vụ kiện, phía Mỹ sẽ lấy giá tham chiếu ở một quốc gia tương tự để đưa ra phán quyết mà trong phần lớn trường hợp là bất lợi cho Việt Nam.

Nhưng cách tiếp cận giờ đã khác. Theo ông Nguyễn Đình Lương, với việc hai nước đã tuyên bố nâng cấp đối tác lên chiến lược toàn diện, không có lý do gì để phía Mỹ “phân biệt đối xử” với Việt Nam nữa. Phía Mỹ đã ra thông điệp rất rõ ràng về việc tập trung giúp Việt Nam phát triển, và rào cản “kinh tế thị trường” giờ đây chỉ còn là vấn đề kỹ thuật.

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 8/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc). Trong đó, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với 56 vụ việc, chiếm khoảng 24% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra.

Trong năm 2022, Mỹ tiếp tục điều tra đối với các vụ việc đã khởi xướng từ những năm trước như điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng, thép không gỉ dạng tấm và dải, chống bán phá giá với mật ong. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (11 vụ), đối với các mặt hàng như các sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, ghim dập, bìa kẹp hồ sơ… Chính vì thực tế này mà các hoạt động vận động Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã diễn ra liên tục.

Mới đây nhất, trong Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10-11/9/2023, Mỹ đã “hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Mỹ”. Đặc biệt, “ngày 8/9/2023, Mỹ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Mỹ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định”.

Gần đây nhất, khi làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Jose Fernandez trong khuôn khổ chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại San Francisco, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị phía Bộ Ngoại giao Mỹ có ý kiến tới Bộ Thương mại Mỹ đẩy nhanh tiến trình xem xét, rà soát và sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Mở rộng giao thương và đầu tư

Đến nay, đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm cả những nền kinh tế lớn như: Canada, Australia, Nhật Bản… Gần đây nhất, trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh đã có Thư chính thức của Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, “Thời điểm ta nộp yêu cầu xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường mang tính đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ hai nước được nâng lên tầm cao mới”. Hiện nay, Mỹ coi 12 nước là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kyrgyz, Moldova, Tajikistan và Turkmenistan. Việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2023 là 94,5 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đạt trên 102 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ; kim ngạch thương mại 10 năm qua tăng hơn 4 lần (từ mức 30 tỷ USD năm 2013).

Theo Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam, năm 2024 sẽ là một năm quan trọng khi hai bên kỷ niệm 30 năm Mỹ gỡ bỏ cấm vận thương mại. “Khi Tổng thống Biden thăm Việt Nam năm ngoái, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Năm nay, chúng ta cần biến những cam kết đó thành hiện thực và hội thảo ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta nói về những việc cần làm cùng nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Làm thế nào để gia tăng thương mại, tăng cường đầu tư và làm thế nào để chúng ta có thể củng cố và nâng cấp chuỗi cung ứng cho Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực và đây là thời điểm thích hợp để chúng ta thảo luận các việc cần làm và cùng nhau phối hợp”, bà nói.

Còn theo đại sứ Mỹ Marc Knapper, phía Mỹ cũng đã cam kết hợp tác với Việt Nam phát triển nền kinh tế công nghệ cao, tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho việc sản xuất chất bán dẫn và các hàng hóa công nghệ cao khác. “Một số công ty công nghệ cao và nổi tiếng nhất của Mỹ như Intel đã có mặt ở đây; Amkor đã khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của tập đoàn tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam để phát triển lực lượng lao động từ 50.000 đến 80.000 kỹ sư, nhà khoa học máy tính, nhân lực công nghệ cao mới”, ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả