Mỹ sẽ làm gì nếu cảnh báo của Nga trở thành sự thật?
Mỹ vừa cảnh báo Nga về “những hậu quả thảm khốc” nếu Mátxcơva sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Giới quan sát cho rằng những cảnh báo mà Mỹ và Nga đưa ra trong mấy ngày qua cho thấy cuộc xung đột chuyển sang giai đoạn cực kỳ nguy hiểm và rủi ro.
Cuộc xung đột đang đi đến ngã rẽ quan trọng. Quân Ukraine giành được một số thắng lợi ở miền đông nhờ số vũ khí trị giá hàng tỷ đô la mà phương Tây viện trợ. Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo huy động thêm hàng ngàn quân dự bị.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Nga cảnh báo rằng ông có thể dùng tất cả vũ khí sẵn có nếu nhận thấy sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa.
Ngày 25/9, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đưa ra cảnh báo đanh thép với Nga. “Nếu Nga vượt qua giới hạn này, sẽ có những hậu quả thảm khốc với họ. Mỹ sẽ đáp trả dứt khoát”, ông Sullivan nói trong chương trình trả lời phỏng vấn đài NBC. Ông Sullivan cho biết thêm rằng Mỹ đã gửi cảnh báo riêng đến Nga về cách Washington sẽ đáp trả.
Trong chương trình của đài CBS, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken củng cố thêm cảnh báo đó, cho thấy Washington đang gia tăng sức ép công khai lên Điện Kremlin về vấn đề này.
“Một điều quan trọng mà Mátxcơva phải nghe từ chúng tôi là hậu quả sẽ rất ghê gớm”, ông Blinken nói, đồng thời nhấn mạnh những cảnh báo từ Nga là lời nhắc nhở rằng nếu cuộc xung đột diễn biến theo hướng có lợi cho Ukraine, phương Tây sẽ càng phải giữ vững tinh thần, vì Nga có kho vũ khí hạt nhân rất lớn.
Nhiều nhà quan sát phương Tây tin rằng ông Putin sẽ không làm đến mức như cảnh báo, và có những lý do chiến lược khiến Mátxcơva sẽ không tiến đến bước đi định mệnh như vậy. Chưa có báo cáo công khai nào rằng Điện Kremlin đã đưa lực lượng hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng sử dụng hoặc thay đổi thế trận tên lửa chiến lược quốc tế. Trước cuộc xung đột, ông Putin cũng từng nói đến quân bài hạt nhân, rõ ràng để “nắn gân” phương Tây và khiến phương Tây chùn bước trong nỗ lực hậu thuẫn Kiev.
Tuy nhiên, phương Tây lo rằng Nga sẽ không chấp nhận thua trong cuộc xung đột này.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine được dẫn dắt bởi cảm giác về một sứ mệnh lịch sử phải khôi phục một nền văn minh vĩ đại. Vì thế, phương Tây lo rằng logic và tính toán chiến lược có thể không phải tất cả đối với nhà lãnh đạo Nga.
Vì thế, Washington đưa ra cảnh báo nhằm ngăn chặn khả năng Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.
Theo CNN, từ nhiều tháng trước Mỹ đã gửi cảnh báo riêng đến Nga rằng chớ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Washington không chỉ sử dụng Bộ Ngoại giao mà cả các kênh tình báo để trao đổi với Mátxcơva trong suốt cuộc xung đột.
Can dự trực tiếp
Ông Sullivan không nói rõ những hậu quả thảm khốc mà Mỹ có thể gây ra với Nga. Nhưng với tính nghiêm trọng của vũ khí hạt nhân, nhiều chuyên gia quân sự và ngoại giao cho rằng cách Mỹ đáp trả chắc chắn sẽ cứng rắn hơn một gói trừng phạt mới lên kinh tế Nga.
Những tác động môi trường và nhân đạo từ việc sử dụng vũ khí hạt nhân dù kích cỡ nhỏ cũng sẽ rất khủng khiếp. Việc sử dụng vũ khí này cũng sẽ đưa thế giới vượt qua ngưỡng chiến lược nguy hiểm và tạo tiền lệ cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân để thay đổi cục diện trong một cuộc xung đột truyền thống.
Với những lý do đó, một số nhà quan sát phương Tây tin rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tính đến chuyện can dự trực tiếp vào Ukraine, điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đến nay vẫn cố hết sức để tránh.
Nếu đúng như vậy, đó sẽ là một trong những thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử đối đầu giữa Mỹ và Nga, nguy cơ gây ra một chu kỳ leo thang nguy hiểm mới, dẫn đến một cuộc xung đột thảm khốc giữa hai cường quốc hạt nhân.
Ông Putin cảnh báo rằng ông không nói xạo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Nga bị tấn công. Cảnh báo này khiến phương Tây đang phải cố suy đoán xem nhà lãnh đạo Nga đang thực sự nghĩ gì.
Việc 4 tỉnh của Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý để nhập vào Nga đặt ra khả năng ông Putin sẽ coi việc Ukraine tấn công vào những địa bàn này giống như tấn công vào đất Nga.
Theo CNN, không ai trong cộng đồng tình báo Mỹ nghĩ rằng khả năng ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân bằng 0.
Trong cuộc trả lời đài CNN tuần trước, tân Thủ tướng Anh Liz Truss gạt bỏ cảnh báo của ông Putin, đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine.
Tuy nhiên, ngày 25/9, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, một người hiểu rõ ông Putin, cảnh báo rằng Nga đã đặt cược rất nhiều vào Ukraine, vì thế “sẽ không chấp nhận bất kỳ thất bại nào”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận