Mỹ sắp khởi động sáng kiến kinh tế mới cho châu Á - Thái Bình Dương
Tổng thống Biden sẽ khởi động Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) khi thăm Nhật Bản, nhằm tăng kết nối kinh tế trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay bắt đầu chuyến thăm chính thức đến Nhật Bản và gặp Thủ tướng Fumio Kishida. Tâm điểm chuyến thăm sẽ là lễ khởi động Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho Thịnh vượng (IPEF), chương trình kết nối các quốc gia châu Á thông qua tiêu chuẩn chung trong những lĩnh vực như bảo đảm chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và thương mại kỹ thuật số.
IPEF dự kiến được khởi động vào 16h30 hôm nay (14h30 giờ Hà Nội), sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida. Đây là sáng kiến thương mại có thể giúp Mỹ củng cố hiện diện và tái khẳng định sức mạnh chiến lược tại châu Á, cũng là khuôn khổ thiết lập nhóm các đối tác thương mại liên kết chặt chẽ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Sáng kiến này được khởi động khoảng 7 tháng sau khi được ông Biden công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 10/2021. Đây được coi là một trong các trụ cột chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden.
Không giống các khối thương mại truyền thống, những thành viên tham gia IPEF không phải đàm phán về thuế quan và tăng tiếp cận thị trường. Thay vào đó, sáng kiến này nhằm tích hợp các đối tác thương mại vào những tiêu chuẩn đã được nhất trí trong 4 lĩnh vực chính, gồm kinh tế số, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và các biện pháp chống tham nhũng.
Nhà Trắng hiện chưa tiết lộ bao nhiêu nước sẽ ký IPEF.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Kishida ở Tokyo hôm nay, Tổng thống Biden đề cao quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. "Liên minh Mỹ - Nhật từ lâu đã là cột trụ hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ luôn giữ vững cam kết trong đảm bảo phòng thủ của Nhật", ông nói.
Lãnh đạo hai nước dự kiến thảo luận về kế hoạch tăng cường năng lực quốc phòng cho Nhật Bản, trong bối cảnh Trung Quốc đầu tư ngày càng lớn cho nâng cao sức mạnh quân sự trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thực hiện chuyến công du đầu tiên tới châu Á kể từ khi nhậm chức. Sau khi thăm Hàn Quốc, ông Biden đến Nhật Bản và dự kiến tham dự cuộc họp của nhóm Bộ Tứ, cơ chế an ninh được Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ thành lập nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ xem Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận, là yếu tố quan trọng để xây dựng "liên minh các nước cùng chí hướng" nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc và Triều Tiên tại khu vực. Dù đang dồn lực ứng phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 3/3 tuyên bố sự trỗi dậy của Trung Quốc là "phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận