Mỹ sẵn sàng "giương súng” ở châu Âu và "vung kiếm" ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Trong bối cảnh Mỹ đầy vướng bận trong nỗ lực hóa giải cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine, Washington vẫn thúc đẩy cuộc họp bộ trưởng ngoại giao của nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) diễn ra tại thành phố Melbourne của Australia hôm 11/2.
Theo hãng tin Reuters, cuộc họp cấp ngoại trưởng của nhóm Bộ tứ diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine đã gia tăng đến mức mà Anh gọi là "thời khắc nguy hiểm nhất" với việc Moskva tập trận tại Belarus và Biển Đen sau khi củng cố lực lượng gần biên giới với Ukraine.
"Thâm tâm" của Bộ tứ
Theo hãng tin Reuters, các thành viên Bộ tứ đã cam kết làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa 4 bên để đảm bảo không xảy ra tình trạng "o ép" và "cưỡng bức" ở khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - một cú đáp trả nhắm vào những hoạt động bành trướng về kinh tế và quân sự của Bắc Kinh. Phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định các nước có quyền lực chọn con đường riêng của mình, không bị các nước khác cưỡng ép và quyền sở hữu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cho dù là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ở châu Âu, hay ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trả lời tờ The Australian trước thềm cuộc họp, ngoại trưởng Mỹ khẳng định mặc dù Washington đang vướng bận xử lý cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine, song thách thức "dài hơi" hơn vẫn là bước tiến của Trung Quốc, đe dọa "trật tự quốc tế". Khi được hỏi về nguy cơ chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc xung đột với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Blinken đáp: "Không có gì là không thể tránh được", song bày tỏ quan ngại về hoạt động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh ở khu vực.
Hãng tin AFP dẫn lời Ngoại trưởng Australia Marise Payne nhận định trước thềm cuộc họp: "Cùng với nhau, chúng ta là một mạng lưới trọng yếu gồm các nền dân chủ tự do cam kết hợp tác thực chất và đảm bảo rằng tất cả các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, lớn và nhỏ, đều có thể có những quyết định chiến lược của riêng mình, không bị hiếp đáp”.
Mặc dù sự "uy hiếp" của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đứng đầu nghị trình cuộc họp của nhóm Bộ tứ, song 4 nước thành viên cũng chia sẻ một "tầm nhìn rõ ràng" về hàng loạt các thách thức khác gồm biến đổi khí hậu, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, hợp tác về những công nghệ mới nổi và những thách thức khác. Theo đó, các ngoại trưởng cam kết tiếp tục hợp tác về các lĩnh vực này, đồng thời phối hợp để đối phó với những thách thức mà an ninh hàng hải, an ninh mạng và chuỗi cung ứng gây ra. Trong đó, hợp tác của Bộ tứ đối với cuộc chiến chống đại dịch được coi là một công cụ quan trọng để nâng cao sức mạnh mềm của nhóm, vượt ra khỏi những cáo buộc cho rằng nhóm này được thiết lập để nhằm "kiềm chế" Bắc Kinh.
Tại các cuộc họp trước đó, nhóm Bộ tứ đã cam kết cung cấp 1,3 tỷ liều vaccine cho khu vực, trong đó hơn 500 triệu liều đã được chuyển giao đến các nước khu vực. Bộ Tứ có thể sẽ chưa đưa ra bất kỳ cam kết mới nào liên quan đến vấn đề này cho tới khi nhóm này tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lãnh đạo bộ Tứ dự kiến diễn ra vào tháng 5/2022 tại Nhật Bản.
Bộ Tứ “đấu” trục Nga-Trung
Theo ghi nhận của đài TNHK, chuyến công du Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong suốt tuần thứ hai của tháng 2/2022, bao gồm cuộc họp ngoại trưởng nhóm Bộ tứ nói trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga gần đây công bố một mối quan hệ đối tác chiến lược “không có giới hạn”. Đây là tuyên bố rõ ràng và chi tiết nhất của Bắc Kinh và Moskva để phối hợp với nhau nhằm chống lại Mỹ và để xây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên sự diễn giải của họ về nhân quyền và dân chủ.
Quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên trong lúc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bất đồng về một loạt các vấn đề từ Hong Kong, Đài Loan cho tới Biển Hoa Nam (Biển Đông) và việc Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo sắc tộc thiểu số ở khu tự trị Tân Cương.
Tháng 10/2021, Tổng thống Biden nói với các lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ mở các cuộc thảo luận về một khuôn khổ kinh tế mới cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington chưa hé lộ chi tiết về khuôn khổ này và chính quyền Mỹ ngần ngại cho phép các nước châu Á tiếp cận thị trường nhiều hơn như họ mong muốn vì e rằng việc này sẽ đe dọa công ăn việc làm của người Mỹ.
Những người chỉ trích nói rằng sự thiếu can dự kinh tế của Mỹ là điểm yếu quan trọng trong cách tiếp cận của chính quyền Biden tại khu vực, nơi mà Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc lâu nay vẫn coi nhóm Bộ tứ là một cấu trúc của thời Chiến tranh Lạnh và là một nhóm "công kích các nước khác"./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận