Mỹ phê chuẩn tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho người suy giảm hệ miễn dịch
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận việc sử dụng liều thứ 3 của vắc-xin Covid-19 từ Pfizer và Moderna cho những người suy giảm hệ miễn dịch.
Trước đó, Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sỹ Anthony Fauci lên tiếng ủng hộ tiêm vắc-xin tăng cường, tuy nhiên các cơ quan quản lý y tế cho biết họ không thấy cần thiết phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 bổ sung cho người dân.
“Mũi tiêm thứ 3 không dành cho tất cả mọi người. Người già và những người khác không bị tổn thương hệ miễn dịch cũng không cần tiêm liều thứ 3”, ông Fauci nói.
FDA cho biết trong một thông cáo báo chí: “FDA đã phê duyệt khẩn cấp đối với vắc-xin Covid-19 của Pfizer và Moderna để cho phép tiêm thêm một mũi cho một số người bị suy giảm miễn dịch”.
Theo đó, nhóm đối tượng nói trên, gồm những người có hệ miễn dịch bị tổn thương như người ghép tạng, ung thư, chiếm khoảng 3% dân số Mỹ. Tuy nhiên, những người này chiếm đến 44% số ca bệnh phải nhập viện mặc dù đã tiêm đầy đủ 2 mũi.
Được biết, một số nước khác, như Israel, Pháp, Đức… đã tiêm mũi vắc-xin bổ sung thứ 3 hoặc sẽ tổ chức tiêm mũi thứ 3 cho người bị suy giảm miễn dịch, người già và người sống trong các viện dưỡng lão từ đầu tháng 9/2021.
Theo một nghiên cứu của Pfizer cho thấy, liều vắc-xin Covid-19 Pfizer/BioNTech thứ 3 giúp tăng đáng kể khả năng chống lại biến thể Delta.
Trước đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tạm ngừng tiêm liều tăng cường vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều. Việc tạm ngừng tiêm liều vắc-xin thứ 3 sẽ được thực hiện ít nhất đến cuối tháng 9 tới để đảm bảo nguồn cung vắc-xin cho những nước nghèo hơn, tiến tới mục tiêu tiêm chủng cho tối thiểu 10% dân số của mỗi nước trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của WHO, trong tháng 5/2021, các nước thu nhập cao đã thực hiện trung bình khoảng 50 mũi tiêm cho mỗi 100 người dân và con số trên giờ đã tăng gấp đôi. Trong khi tại các nước thu nhập thấp, con số ghi nhận được chỉ là 1,5 mũi tiêm trên mỗi 100 dân do thiếu nguồn cung vắc-xin. Để chặn đứng sự lây lan của biến thể Delta, nhiều nước đã bắt đầu hoặc cân nhắc đến phương án tiêm liều vắc-xin tăng cường cho người dân, ngay cả khi đây vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Ông Ghebreyesus giải thích rằng, trong tương lai cần thay đổi khoảng cách tiếp cận vắc-xin giữa các nước giàu và các nước nghèo. Điểm đến của 80% lượng vắc-xin trên thế giới là các nước thu nhập cao và trên trung bình, trong khi các nước này lại chỉ chiếm chưa đầy 1 nửa dân số thế giới. Đáng quan ngại là thực tế này lại đang diễn ra vào thời điểm thế giới đang đối mặt với một kẻ thù nguy hiểm chung là biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh chóng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận