Mỹ - Pháp căng thẳng vì dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số
Việc quốc hội Pháp thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các “ông lớn” công nghệ của Mỹ khiến nước này nổi giận và tuyên bố mở cuộc điều tra về dự luật mới này.
Dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số được Hạ viện và Thượng viện Pháp lần lượt thông qua vào ngày 4-7 và 11-7. Vì dự luật này nhắm đến những công ty công nghệ khổng lồ toàn cầu, chủ yếu đến từ Mỹ nên nó còn gọi được gọi là dự luật GAFA (viết tắt chữ đầu đầu tiên của bốn công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon).
Dự luật này nếu được thông qua sẽ đưa Pháp trở thành nước lớn đầu tiên trên thế giới áp thuế dịch vụ kỹ thuật số với các “ông lớn” trong ngành công nghệ.
Theo dự luật, các công ty công nghệ lớn nhất đang cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số (quảng cáo trực tuyến, dịch vụ kết nối, bán dữ liệu cá nhân...) cho các khách hàng Pháp sẽ chịu mức thuế 3% trên tổng doanh thu hàng năm của họ tại Pháp.
Dự luật áp dụng cho các công ty công nghệ có doanh thu dịch vụ kỹ thuật số hàng năm ít nhất 750 triệu euro trên toàn cầu và ít nhất 25 triệu euro tại Pháp. Tiêu chí này sẽ khiến gần 30 công ty công nghệ toàn cầu lọt vào tầm ngắm, chủ yếu là các công ty Mỹ và một số công ty Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Tây Ban Nha.
Do được áp dụng hồi tố nên thuế mới dự kiến giúp chính phủ Pháp thu về 400 triệu euro trong năm 2019 và các năm sau đó, con số sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm sau đó.
Tức giận trước động thái của Pháp, hôm 10-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ mở cuộc điều tra dự luật GAFA dựa trên điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ 1974.
Điều khoản này cho phép tổng thống Mỹ tiến hành các biện pháp thích đáng bao gồm trả đũa để loại bỏ bất kỳ hành động, chính sách hay thực hành nào của một chính phủ nước ngoài bị coi là vi phạm một thỏa thuận thương mại quốc tế hoặc phân biệt đối xử, làm tăng gánh nặng hoặc hạn chế các hoạt động thương mại của Mỹ.
Chính cuộc điều tra dựa trên điều khoản này đã dẫn đến quyết định áp thuế của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc hồi năm ngoái.
Cuộc điều tra sẽ xác định liệu thuế GAFA của Pháp có gây tổn thương các công ty Mỹ hay không cũng như làm rõ liệu đó có phải là một thực hành thương mại bất công hay không.
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ Ron Wyden, một thành viên của ủy ban này, đã ra tuyên bố chung cho rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Pháp và các nước châu Âu khác đang theo đuổi rõ ràng là chủ nghĩa bảo hộ và nhắm vào các công ty Mỹ.
Trước động thái đe dọa của Mỹ, Pháp đã lên trước đáp trả. Hôm 11-7, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ra tuyên bố nhấn mạnh: “Pháp là một quốc gia có chủ quyền và Pháp tự quyết định các quy định thuế riêng”. Ông nói thêm: “Là các đồng minh của nhau, tôi tin chúng ta (Pháp và Mỹ) có thể và phải giải quyết các bất đồng theo cách khác chứ không phải bằng những lời đe dọa”.
Pháp là nước dẫn đầu nỗ lực vận động châu Âu buộc các công ty công nghệ toàn cầu kiếm được các khoản lợi nhuận lớn phải nộp thuế nhiều hơn tại nước mà họ kinh doanh. Song cuộc vận động của Pháp đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi, một phần là do một số nước lo ngại Mỹ trả đũa.
Vì vậy, Pháp quyết định thúc đẩy dự luật của riêng mình. Phát biểu tại Thượng viện Pháp hôm 11-5 trước khi dự luật GAFA được bỏ phiếu, Bộ trưởng Le Maire nói: “Chúng tôi chỉ tái thiết lập công lý tài chính. Chúng tôi muốn xây dựng cách đánh thuế công bằng và hiệu quả trong thế kỷ 21".
Theo luật của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay, các công ty công nghệ toàn cầu có thể chọn báo cáo doanh thu ở châu Âu tại bất cứ nước thành viên EU nào.
Do vậy, các ông lớn công nghệ như Apple, Amazon, Google chọn các nước có mức thuế thấp hoặc có các chế độ ưu đãi thuế như Ireland, Hà Lan hay Luxembourg để đặt trụ sở đại diện của họ tại EU và báo cáo doanh thu. Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OCED) cho biết, các chiến lược như vậy đã khiến các quốc gia trên toàn thế giới mất đi tới 240 tỉ đô la (195 tỉ euro) trong nguồn thu thuế mỗi năm.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trên thực tế, Apple chỉ nộp mức thuế thu nhập 0,005% trên lợi nhuận ròng của họ ở châu Âu vào năm 2014, tức chỉ 50 euro/1 triệu euro lợi nhuận nhờ chuyển doanh thu và lợi nhuận của họ ở châu Âu đến Ireland. Năm 2016, EU đã yêu cầu Apple phải trả 13 tỉ euro tiền nợ thuế cộng với 1 tỉ euro tiền lãi cho Ireland vì cho rằng thỏa thuận thuế giữa Ireland với Apple vi phạm các quy định hỗ trợ tài chính của các nước EU dành cho doanh nghiệp.
Theo Guardian, Reuters
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận