Mỹ nêu lý do không ủng hộ chuyển tiêm kích cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không ủng hộ chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine do phương án này không cần thiết và có thể leo thang căng thẳng NATO - Nga.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby ngày 9/3 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trao đổi với người đồng cấp Ba Lan Mariusz Błaszczak và nhấn mạnh rằng Mỹ không ủng hộ chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine "trong thời điểm này".
Bộ trưởng Austin cũng bác bỏ phương án Ba Lan chuyển tiêm kích MiG-29 cho Ukraine với sự hộ tống của chiến đấu cơ Mỹ, hoặc bàn giao số máy bay này cho Mỹ để Washington toàn quyền quyết định cách thức chuyển chúng đến Ukraine.
"Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để hỗ trợ Ukraine phòng thủ là cung cấp các vũ khí họ đang cần nhất, đặc biệt là hệ thống chống tăng và phòng không. Mỹ cùng các nước khác đang tiếp tục chuyển cho Ukraine những vũ khí đó và chúng đang phát huy hiệu quả", Kirby nói. "Đà tiến chậm chạp của lực lượng Nga ở phía bắc và không phận đang tranh chấp ở Ukraine là bằng chứng cho điều đó".
Kirby nêu lý do thứ hai Mỹ không đồng ý chuyển thêm tiêm kích cho Ukraine là không quân nước này đang biên chế một số phi đội có đầy đủ năng lực tác chiến. "Chúng tôi cho rằng bổ sung thêm máy bay cho Ukraine không giúp thay đổi đáng kể hiệu quả tác chiến của không quân nước này trước năng lực của Nga. Bởi vậy, chúng tôi tin lợi ích thu được từ phương án chuyển giao số MiG-29 đó là rất thấp", phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.
Lý do thứ ba mà Kirby đưa ra là động thái chuyển giao MiG-29 cho Ukraine có thể bị nhầm là hành động leo thang và dẫn đến phản ứng đáng kể của Nga, gây nguy cơ làm tăng căng thẳng quân sự với NATO.
"Bởi vậy, chúng tôi đánh giá động thái chuyển tiêm kích cho Ukraine sẽ có rủi ro rất cao", Kirby nói.
Cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ba Lan diễn ra sau khi Lầu Năm Góc cho rằng đề xuất của Ba Lan về chuyển tiêm kích MiG-29 tới một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức là "không khả thi". Phát ngôn viên Kirby cho biết ý tưởng Ba Lan nêu ra là quá rủi ro khi Mỹ và NATO tìm cách tránh xung đột toàn diện với Nga.
Ba Lan ngày 8/3 nêu đề xuất chuyển toàn bộ tiêm kích MiG-29 tới Đức để Mỹ toàn quyền sử dụng để hỗ trợ Ukraine, với điều kiện Washington phải bù đắp cho Warsaw những tiêm kích Mỹ có tính năng tương đương. Ba Lan cũng đề nghị các đồng minh NATO khác, vốn đang sở hữu tiêm kích MiG-29, có hành động tương tự.
Đề xuất chuyển giao chiến đấu cơ của Ba Lan gây chú ý trong bối cảnh Ukraine nhiều ngày qua liên tục kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ chống lại chiến dịch quân sự của Nga bằng cách lập vùng cấm bay hoặc cung cấp tiêm kích.
Không quân Ukraine đang sử dụng các máy bay chiến đấu MiG-29, Su-24, Su-25 và Su-27. Ngoài Ba Lan, một số thành viên NATO đang sở hữu các loại máy bay này, trong đó Bulgaria vận hành cường kích Su-25, còn Bulgaria và Slovakia biên chế tiêm kích MiG-29.
Trong một động thái tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, các nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ ngày 9/3 hoàn tất một dự luật chi 13,6 tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Kiev, tăng gần gấp đôi so với đề xuất 6,4 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Khoản hỗ trợ là một phần dự luật chi tiêu trị giá 1.500 tỷ USD cho chính phủ Mỹ đến hết tháng 9. Khoản tiền này bao gồm 6,5 tỷ USD cho Lầu Năm Góc để trang trải chi phí điều quân đội Mỹ tới các đồng minh ở sườn đông của NATO, cung cấp hỗ trợ tình báo cho Ukraine và bao gồm vũ khí mà Mỹ đã gửi cho chính phủ quốc gia Đông Âu.
Tổng thống Biden hồi đầu tháng 3 thông qua gói hỗ trợ vũ khí trị giá 350 triệu USD, trong đó có tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin, tên lửa phòng không FIM-92 Stinger, vũ khí cá nhân và đạn cho Ukraine.
Mỹ đã triển khai hơn 15.000 binh sĩ tới châu Âu, đồng thời cam kết bổ sung thêm 12.000 binh sĩ cho lực lượng phản ứng của NATO nếu cần.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ngày 24/2 "nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", Nga đã kiểm soát thành phố Kherson ở miền nam, bao vây Mariupol ở đông nam, Kharkov ở đông bắc Ukraine và tìm cách tạo thế gọng kìm với thủ đô Kiev. Quân đội Ukraine đánh giá đà tiến công của lực lượng Nga đang "chậm lại đáng kể".
Nga và Ukraine đã trải qua ba vòng đàm phán, song đều không đạt đột phá về lệnh ngừng bắn. Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các nguồn năng lượng khác của Nga, trong khi Anh và EU cũng công bố các kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Moskva để tăng áp lực với Điện Kremlin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận