Mỹ muốn sắp xếp lại chuỗi cung ứng của châu Á?
Sự tập trung của chính quyền Biden vào các chuỗi cung ứng mang nhiều ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là các chuỗi cung ứng ở châu Á.
Thay vì lựa chọn đến Indonesia, quốc gia lớn nhất khu vực ASEAN, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam, đưa ra gợi ý về hai ưu tiên của chính quyền Mỹ trong khu vực.
Hai ưu tiên của Mỹ
Ưu tiên đầu tiên và rõ ràng nhất là an ninh. Singapore, có thể lập luận là nước có hợp tác về quốc phòng mạnh mẽ nhất với Mỹ trong số tất cả các quốc gia ASEAN, là nơi Mỹ đặt sự hiện diện hải quân của mình trong khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, việc thúc đẩy các chuỗi cung ứng có sức bền hơn dường như đã nổi lên là ưu tiên then chốt của chính quyền ông Biden và là chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa bà Harris và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở cả Singapore lẫn Việt Nam.
Điều này dường như gây ngạc nhiên vì các nhà lãnh đạo chính trị đến thăm thường không tập trung vào vấn đề về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, những sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 nghiêm trọng đến mức Tổng thống Mỹ Joe Biden phải ban hành sắc lệnh hành pháp vào ngày 24/2, trong đó kêu gọi cách tiếp cận toàn chính phủ để đánh giá sự dễ tổn thương trong các chuỗi cung ứng then chốt và việc tăng cường khả năng phục hồi.
Đặc biệt quan trọng trong đó là chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm rất nhiều thành phần được sản xuất tại một số quốc gia. Sự thiếu hụt nghiêm trọng đã xuất hiện trong đại dịch, phát sinh từ sự chuyển đổi rộng rãi sang số hóa.
Điều này làm gia tăng nhu cầu đối với chip trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, cũng như việc đóng cửa các nhà máy và những gián đoạn về hậu cần khiến nguồn cung bị cắt giảm.
Ngoài ra, chất bán dẫn là một công nghệ nền tảng, được sử dụng trong ô tô, y tế, quốc phòng, tiện ích công, hàng hóa tiêu dùng và trong các lĩnh vực khác, nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã làm gián đoạn sản xuất trong tất cả các lĩnh vực này.
Do đó, việc duy trì các nhà cung cấp chất bán dẫn đáng tin cậy được coi là điều thiết yếu đối với cả tính cạnh tranh và an ninh quốc gia.
Tính toán chiến lược
Tuy nhiên, sự tập trung của chính quyền ông Biden vào các chuỗi cung ứng mang nhiều ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là các chuỗi cung ứng ở châu Á, nơi là trung tâm của nhiều mạng lưới sản xuất, trong đó có mạng lưới sản xuất chất bán dẫn.
Chính quyền Biden đang khuyến khích các công ty Mỹ giảm sự phụ thuộc của họ vào việc gia công từ Trung Quốc, vốn là bên tham gia chi phối trong một số chuỗi cung ứng. Khi Mỹ muốn đẩy nhanh sự dịch chuyến của chuỗi cung ứng này, cả Singapore và Việt Nam đều là những ứng cử viên tiềm năng.
Singapore là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ lớn nhất ở Đông Nam Á và là nơi tập trung nhiều nhất các công ty đa quốc gia của Mỹ trong khu vực. Nhiều công ty đã đặt trụ sở khu vực của mình ở nước này.
Các công ty ở Singapore cũng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Hơn nữa, sự kết nối của Singapore và mạng lưới 26 hiệp định thương mại tự do của “đảo quốc sư tử” cũng làm cho nước này trở thành một đối tác tự nhiên đối với bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến chuỗi cung ứng.
Về phần mình, Việt Nam nổi lên là một lựa chọn từ xu hướng chuyển dịch sản xuất. Các ngành như may mặc, dệt may và giày dép đã bắt đầu chuyển sang Việt Nam - cũng như các quốc gia châu Á có chi phí thấp khác như Bangladesh, Campuchia và Indonesia - từ lâu trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Gần đây hơn, các công ty công nghệ cao cũng đã dịch chuyển một số hoạt động của họ, trong đó có Apple, Samsung, Intel, Dell, Sharp và hàng trăm nhà sản xuất khác, từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan sang Việt Nam. Do đó, nhu cầu về nhà xưởng trong các khu công nghiệp của Việt Nam là rất lớn.
Việt Nam cũng là một nền kinh tế mở có các mối liên kết thương mại ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có sự tham gia của nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc (thông qua ASEAN), và đang đàm phán thêm một số FTA nữa.
Lựa chọn chính sách khôn ngoan nhất sẽ là Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà tiền thân Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi TPP vào năm 2017.
CPTPP, gồm 11 quốc gia tham gia ký kết, là một thỏa thuận thương mại “tiêu chuẩn vàng”, có tham vọng lớn hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm các lĩnh vực dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, các vấn đề môi trường và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. CPTPP cũng có một chương về thương mại kỹ thuật số.
Đây là khuôn mẫu sẵn có tốt nhất để Mỹ làm sâu sắc mối quan hệ thương mại với châu Á, và cũng có thể là với Anh - nước đã xin gia nhập CPTPP.
Mục tiêu cố gắng sắp xếp lại các chuỗi cung ứng ở châu Á mà không can dự kinh tế rộng rãi hơn với khu vực sẽ là một nhiệm vụ quá nặng nề đối với chính quyền ông Biden.
Rõ ràng có những trở ngại chính trị trong nước đối với việc Mỹ tham gia lại CPTPP, nhưng những trở ngại này một phần do chính quyền ông Biden gây ra.
Bằng việc cam kết không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào trước khi đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ trên sân nhà, chính quyền ông Biden đã tự hạn chế những lựa chọn của mình.
Họ cũng bỏ sót một vấn đề là khả năng cạnh tranh của Mỹ phụ thuộc không chỉ vào đầu tư ở trong nước, mà còn ở châu Á, như sự nhấn mạnh của bà Harris vào sự cần thiết phải có các chuỗi cung ứng bền bỉ hơn trong khu vực đã chứng minh.
(theo Strait Times)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận