Mỹ muốn lôi kéo các công ty công nghệ lớn Trung Quốc tham gia trừng phạt Nga
Mỹ đang mong đợi các nhà cung cấp công nghệ lớn như SMIC, Lenovo sẽ tuân theo quy định và hạn chế buôn bán công nghệ nhạy cảm có nguồn gốc Mỹ, đặc biệt có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng của Nga.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng khả năng các công ty công nghệ của Trung Quốc tham gia nỗ lực của Mỹ là rất thấp, do đi ngược lại chính sách chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Trao đổi với Bloomberg một quan chức Mỹ cho biết, bất kỳ mặt hàng nào có nguyên liệu là yếu tố đầu vào của Mỹ, bao gồm phần mềm, thiết kế, đều phải chịu lệnh cấm, ngay cả khi nó được sản xuất ra ở nước ngoài.
Những doanh nghiệp cố lách luật, trốn tránh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chặn tiếp cận công nghệ Mỹ, thậm chí các lãnh đạo công ty lách luật có thể phải ngồi tù vì vi phạm.
Trung Quốc là quốc gia cung ứng thiết bị điện tử lớn nhất của Nga, chiếm khoảng một phần ba lượng nhập khẩu chất bán dẫn và hơn một nửa lượng máy tính, điện thoại thông minh. Bắc Kinh công khai phản đối các biện pháp cấm vận mà Mỹ áp đặt đối với Nga, cho rằng đây không phải là cách để giải quyết vấn đề.
Theo chuyên gia Mary Lovely của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Nga nhận 70% nguồn cung chip, máy tính, smartphone từ Trung Quốc. Ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp mà không có ủy quyền quốc tế.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tự chủ bán dẫn nhưng các hãng công nghệ vẫn lệ thuộc công nghệ lõi vào Mỹ. SMIC tiếp tục sử dụng thiết bị Mỹ ngay cả khi bị cho vào danh sách đen năm 2020. Nếu làm trái các biện pháp trừng phạt của Mỹ, công ty có thể nhận lệnh cấm nghiêm khắc hơn, không thể mua được giấy phép sửa chữa linh kiện hay thiết bị mới. Thiệt hại của SMIC cũng làm suy yếu tham vọng trong sản xuất chip của Trung Quốc.
Một công ty khác là Xiaomi cũng chung cảnh tương tự. Trong khi đó, Xiaomi cũng như phần lớn các nhà sản xuất thiết bị điện tử khác đều dùng chip từ Qualcomm, Qorvo, Skyworks Solutions. Lenovo lại dùng vi xử lý Intel, AMD cho máy tính. Họ khó có thể phớt lờ các lệnh trừng phạt và cấm thương mại đối với Nga vì điều này có thể mang lại rủi ro pháp lý cho hoạt động của họ ở Mỹ và châu Âu.
Điều này dẫn đến một tình thế khó xử cho các công ty Trung Quốc. Một mặt, họ phải xoa dịu các yêu cầu của Mỹ để tiếp tục được sử dụng công nghệ thiết yếu trong khi chính phủ của họ công khai không tán thành các lệnh hạn chế thương mại với Nga.
Theo Bloomberg
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận