Mỹ: Kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden dự kiến tốn 400 tỷ USD
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 26/9 cho hay kế hoạch xóa một phần gánh nặng nợ cho sinh viên của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ khiến chính phủ tiêu tốn 400 tỷ USD.
Ước tính trên dự kiến sẽ “đổ thêm dầu” vào cuộc tranh luận giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về chủ đề này.Trong thông báo, CBO cho hay họ ước tính rằng chi phí cho các khoản vay sinh viên sẽ tăng thêm khoảng 400 tỷ USD theo giá trị hiện tại do kết quả của việc xóa nợ. Nhưng một quan chức Nhà Trắng lưu ý rằng chính CBO đã gọi ước tính của riêng họ là “rất không chắc chắn”.
Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch xóa một phần khoản nợ sinh viên vào ngày 24/8, qua đó hiện thực hóa một lời cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, phía đảng Cộng hòa cáo buộc ông Biden lãng phí tiền bạc cho biện pháp này, cho rằng tài chính công có thể được sử dụng hiệu quả hơn.
Theo kế hoạch cứu trợ, các khoản nợ sinh viên của những người có mức lương dưới 125.000 USD/năm sẽ được giảm 10.000 USD. Đối với những sinh viên đã đi học đại học nhờ chương trình trợ giúp của chính phủ có tên khoản trợ cấp Pell, khoản cắt giảm sẽ là 20.000 USD.
Các trường cao đẳng ở Mỹ thường có học phí từ 10.000 USD đến 70.000 USD một năm, khiến sinh viên tốt nghiệp phải gánh khoản nợ khá lớn khi họ tham gia lực lượng lao động. Theo ước tính của chính phủ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ khi họ tốt nghiệp là 25.000 USD, một khoản tiền mà nhiều người phải mất hàng năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ mới có thể trả lại được.
Biện pháp hỗ trợ sinh viên của ông Biden tiếp tục dẫn tới nhiều xôn xao. Việc ước tính chi phí của kế hoạch trên đang làm dấy lên một cuộc tranh luận kỹ thuật lớn giữa các chuyên gia và nhà kinh tế, chủ yếu vì chương trình chưa đưa ra thông tin rõ ràng về những khoản thanh toán nợ đã được những người hưởng lợi từ chương trình trên thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận