24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ, EU thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp gỗ miền Trung bị ảnh hưởng lớn

Được ví như thủ phủ xuất khẩu gỗ miền Trung, nhưng thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Bình Định phải hoạt động cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh Bình Định cho biết, nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm 40% trong năm 2022.

Thị trường gỗ giảm sút khoảng 50%

Những năm trước, vào những tháng cuối năm, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hoàng Hưng ở Khu Công nghiệp Phú Tài (TP. Quy Nhơn, Bình Định) phải tăng ca, làm thêm giờ mới hoàn thành đơn hàng kịp xuất đi các quốc gia Châu Âu và chuẩn bị đơn hàng cho năm sau.

Nhưng năm nay thì trái ngược, hàng tồn vẫn còn nhiều, trong khi đơn hàng của năm sau vẫn chưa ký được, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí cắt giảm nhân công.

"Sản phẩm gỗ Bình Định chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu và Châu Mỹ. Năm nay, người dân các nước ở hai châu lục trên hạn chế chi tiêu nên sản lượng xuất khẩu giảm sâu", ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng thông tin.

Theo ông Thiện, hiện, hàng vẫn tồn trong kho nhiều, trong khi đó lạm phát tăng cao, nên sức mua ở các thị trường giảm sút, cùng với đó mặt hàng tủ bếp đang bị điều tra về thuế.

Ông Thiện nhìn nhận, đây là thời gian ngành gỗ gặp nhiều rủi ro, bởi vậy, từ nay đến cuối năm 2022, Quý I và II của năm 2023, thị trường gỗ chịu sức ép giảm sút khoảng 50%.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, ngành gỗ tỉnh Bình Định đạt kim ngạch xuất khẩu gần 890 triệu USD (tăng 36% so với năm 2020), chiếm khoảng 68% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định.

Trong 10 tháng năm 2022, ngành gỗ tỉnh này đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu gần 814 triệu USD (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021), chiếm khoảng 61% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Qua khảo sát, gần một nửa số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh Bình Định cho biết, nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm 40% trong năm 2022.

Tìm giải phải để duy trì sản xuất

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, hiện, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng cho năm 2023, trong khi hàng tồn kho còn nhiều, phải hạn chế sản xuất, cắt giảm nhân công.

Để duy trì sản xuất, ngành gỗ đang tìm nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh xu hướng sử dụng các nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước để giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, đa dạng hóa vấn đề phân phối sản phẩm, tận dụng thị trường thương mại điện tử để giảm chi phí logistic.

Một vấn đề khác đó là nguyên liệu phục vụ sản xuất đồ gỗ của Bình Định cũng đang gặp khó khăn. Theo đó, 65% nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Bình Định là rừng trồng trong nước, 35% là nhập khẩu.

2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá vận chuyển, giá thuê container cao, giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, để tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển trồng rừng cây gỗ lớn. Hiện, đã triển khai giai đoạn 2016-2020 được 4 ngàn ha.

"Theo chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, chúng tôi đạt 10 ngàn ha rừng, đạt chứng chỉ FSC để phục vụ vùng nguyên liệu", ông Thanh thông tin thêm.

Mỹ, EU thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp gỗ miền Trung bị ảnh hưởng lớn

Hiện, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn chưa có đơn hàng cho năm 2023, trong khi hàng tồn kho còn nhiều, phải hạn chế sản xuất. Ảnh: CTV

Theo Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Ban IV), doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối Quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả Quý III/2023.

Cụ thể, cơ hội thị trường, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt, với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến từ chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh.

Ngoài ra, xu hướng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam (đặc biệt từ phía Mỹ) khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động, gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.

Cùng với đó, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước; rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid"....

Đối với ngành gỗ, Ban IV cho hay, chế biến sâu là quan trọng (bởi có giá trị gia tăng cao, hiệu quả tác động xã hội lớn), nhưng khó khăn đang tập trung vào các doanh nghiệp thực hiện công đoạn này.

Các doanh nghiệp đảm nhiệm chuỗi lâm nghiệp, trồng rừng và nguyên liệu trung gian không chịu ảnh hưởng, tuy nhiên các doanh nghiệp chế biến sâu trong ngành gặp rất nhiều khó khăn do cầu thị trường giảm mạnh đặc biệt là EU và Mỹ.

Bởi, đơn hàng EU, Mỹ đã giảm 35-40% đối với các mặt hàng nội thất. Mặc dù ngành gỗ phấn đấu xuất khẩu 18 tỷ trong năm 2022, nhưng dự báo sẽ không đạt.

"Vừa qua có 2 vụ tranh chấp thương mại với thị trường Mỹ (liên quan đến mặt hàng ván ép và tủ gỗ). Sắp tới, khả năng Mỹ sẽ nhắm đến các thị trường sử dụng gỗ có nguồn gốc từ Nga. Ngành gỗ đang phải tốn nhiều nguồn lực để giải quyết...", Ban IV thông tin thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả