Mỹ điều tra chống bán phá giá, mật ong Việt Nam lo tắc đầu ra
Với hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam hiện nay là để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nếu bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường này, xuất khẩu mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra vì sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này.
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa tiếp nhận đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ 5 nước, trong đó có Việt Nam.
Nguyên đơn khởi xướng vụ việc này là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội mật ong Sioux. Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất là từ 1-10-2020 đến 31-3-2021. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1-1-2018. Những thông tin này đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam vô cùng lo lắng.
12 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam đã nhận được bảng câu hỏi từ ITC
Việt Nam hiện có khoảng 32 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Mỹ với kim ngạch hàng năm khoảng 70 - 100 triệu đô la Mỹ. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu khoảng 51.000 tấn mật ong vào Mỹ, chiếm 25,8% tổng lượng mật ong nhập khẩu của Mỹ. |
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam và là Tổng giámđốc Công ty cổ phần ong mật Đắk Lắk - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu mật ong lớn vào thị trường Mỹ, cho biết, ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Hội xuất khẩu mật ong Việt Nam đã họp các doanh nghiệp thành viên để bàn cách ứng phó với vụ việc.
Hiện Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã gởi bộ câu hỏi cho 12 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam để điều tra. Hạn chót là ngày 5-5 tới, các doanh nghiệp phải nộp lại bảng trả lời.
Các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị đầy đủ thông tin cho câu trả lời gởi đến ITC cũng như chuẩn bị thuê luật sư để cùng tham gia vụ việc.
Ông Vân cho rằng, lợi thế của mật ong Việt Nam hiện nay là các nhà đóng gói, nhà nhập khẩu Mỹ rất ủng hộ sản phẩm mật ong Việt Nam. Do đó, hiệp hội các doanh nghiệp này cũng đang đứng về phía Việt Nam, họ thậm chí gởi đơn kiện ngược lại phía Hiệp hội nuôi ong Mỹ vì đã cho rằng Việt Nam bán phá giá mật ong. Tuy nhiên, vẫn phải đợi kết quả cuối cùng từ phía cơ quan chức năng Mỹ.
Riêng về phía Việt Nam, trong những năm qua, sản phẩm mật ong xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam được các doanh nghiệp chăm chút rất kỹ về mặt chất lượng. Theo đó, hiện nay các doanh nghiệp đều triển khai quy trình nuôi ong lấy mật chặt chẽ, đồng thời kiểm tra, kiếm soát gắt gao về chất lượng sản phẩm, đảm bảo các chỉ tiêu về dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh... Các chế phẩm dùng trong nuôi ong cũng được quản lý rất tốt.
Sẽ nhiều khó khăn cho ngành nuôi ong Việt Nam
Còn theo ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam, từ sau khi có thông tin vụ việc, thị trường mật ong Mỹ gần như tạm ngưng nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, chỉ có các doanh nghiệp đã có hợp đồng trước đó thì vẫn tiếp tục xuất khẩu, còn hợp đồng mới hầu như không ký được nữa.
“Sẽ rất khó khăn cho mật ong Việt Nam trong thời gian tới”, ông Tâm nhận định. Theo ông Tâm, trong những năm gần đây, sự cạnh tranh trên thị trường mật ong thế giới rất căng thẳng, khốc liệt. Nhiều thị trường gia tăng các hàng rào kỹ thuật để cản trở mật ong Việt Nam xuất khẩu vào nước họ. Nay lại thêm việc Mỹ điều tra chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn.
Để xuất khẩu được mật ong vào Mỹ, doanh nghiệp phải qua khoảng năm lần kiểm tra chất lượng và đạt nhiều yêu cầu khắt khe như đảm bảo không tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… |
Ông Tâm thông tin, hiện Việt Nam cũng xuất khẩu được mật ong sang một số thị trường khác nhưng sản lượng không đáng kể. Ví dụ như thị trường EU, cả năm 2020 chỉ xuất được khoảng 2.600 tấn, hay Nhật Bản chỉ vài trăm tấn/năm. Thị trường ASEAN và Nhật Bản cộng lại, sản lượng tiêu thụ mật ong Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng 1.000 tấn, không đáng là bao.
Theo đề nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ, mức thuế áp cho mật ong Việt Nam là hơn 207%, cao nhất trong nhóm 5 nước cùng bị điều tra chống bán phá giá mật ong vào Mỹ.
“Vấn đề là trên thực tế, nguồn mật của Việt Nam rất phong phú, thời gian thu hoạch mật ong kéo dài trong năm do có nhiều điều kiện thuận lợi để nghề nuôi ong phát triển. Chúng ta có diện tích rừng rộng lớn, có những mùa hoa nở quanh năm nên mật ong thu hoạch được quanh năm. Ngược lại, ong nuôi ở Mỹ chỉ cho mật trong thời gian 3 tháng/năm”, ông Tâm phân tích.
Trong khi đó, ngành nuôi ong của Mỹ sản xuất ra mỗi năm chưa được 100.000 tấn nên phải nhập khẩu thêm hơn 200.000 tấn từ các nước như Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước nhập khẩu mật ong vào Mỹ.
Theo đánh giá, sản phẩm mật ong của Việt Nam rất phù hợp với nhu cầu chế biến của doanh nghiệp Mỹ nên các nhà nhập khẩu rất thích. Giá của Việt Nam cũng cạnh tranh nhờ nghề nuôi ong có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi.
“Điều bất lợi là hiện nay phía Mỹ lấy giá mật ong Ấn Độ để làm căn cứ xem xét việc chúng ta có bán phá giá hay không. Tại thị trường Mỹ, giá mật ong Ấn Độ cao hơn Việt Nam khoảng 200 đô la Mỹ/tấn nên họ cho rằng, chúng ta bán phá giá nhưng trên thực tế, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn cả Ấn Độ để có được mức giá cạnh tranh”,
Theo ông Tâm, sau khi có kết quả cuộc điều tra, trong trường hợp Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá mật ong, các doanh nghiệp sẽ phải theo đuổi vụ kiện để tìm lại công bằng cho ngành nuôi ong Việt Nam. Thế nhưng, khó khăn là ngành nuôi ong hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Do đó, khó có đủ kinh phí để theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Dù chỉ là một ngành kinh tế nhỏ nhưng theo đánh giá, tác động của vụ việc đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ lớn, nhất là đối với lực lượng người nuôi ong. Cụ thể, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu đàn ong. Nuôi ong là sinh kế của 35.000 người nuôi ong, phần lớn là nông dân sống ở nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn…
“Do đó, ngành nuôi ong rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành để vụ điều tra có kết quả tích cực cho ngành ong Việt Nam”, ông Tâm nêu ý kiến.
"Trong quá khứ, vào năm 2001, Mỹ cũng áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, mức thuế là 245% và các doanh nghiệp Trung Quốc sau đó cũng bỏ luôn thị trường Mỹ dù thời điểm đó Trung Quốc là nước hàng đầu về xuất khẩu mật ong vào Mỹ. Hiện, không còn doanh nghiệp Trung Quốc nào xuất khẩu mật ong vào Mỹ cả”, ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam kể. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận