Mỹ điều tra chống bán phá giá mật ong Việt: Lo cho 35.000 nông dân
Bộ Thương mại Mỹ ngày 21.4 đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam và 4 nước khác.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cuối tuần qua vừa phát đi thông báo cơ quan này nhận được thông tin Bộ Thương mại Mỹ ngày 21.4 đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam và 4 nước khác.
Thị trường lớn nhất của mật ong Việt
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại cho hay theo thông lệ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ gửi bảng câu hỏi lượng và giá trị cùng ngày với thông báo khởi xướng vụ việc. Các doanh nghiệp (DN) sẽ có khoảng 14 ngày để hoàn thành bảng câu hỏi. Việc trả lời bảng câu hỏi là bắt buộc nếu DN không muốn bị áp mức thuế bất hợp tác.
Để phục vụ cho việc đánh giá thiệt hại nói trên, ITC đã gửi bảng câu hỏi nhằm tìm kiếm một số thông tin liên quan từ các nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu và nhà sản xuất/xuất khẩu mật ong từ các quốc gia bị cáo buộc gồm Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam. Thời hạn cung cấp thông tin cho ITC đến ngày 5.5.2021....
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Mỹ năm 2020 là 60,4 triệu USD, với lượng gần 51.000 tấn, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của Mỹ.
“Số tiền thu về không phải quá lớn nếu như so với các ngành hàng khác xuất khẩu vào đây. Thế nhưng mật ong xuất vào Mỹ chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam. Đằng sau đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong, phần lớn là nông dân không lấy gì làm khá giả khi tuyệt đại đa số sống ở nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn”, ông Dũng nói.
Vị này cũng tỏ ra lo ngại hơn nữa bởi đây là lần đầu tiên ngành mật ong đứng trước nguy cơ một vụ kiện bán phá giá. “Họ cũng không có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt là không có điều kiện tài chính dồi dào như các DN lớn thuộc khối FDI của ngành thép, ngành lốp ô tô hay các đại gia thủy sản. Do đó, sẽ khó khăn rất lớn nếu lâm vào một vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ”, ông Dũng chia sẻ.
Trước mắt, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và DN sản xuất/xuất khẩu mật ong nên trả lời bảng câu hỏi của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ. Cơ quan này sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các DN trả lời theo đúng quy định để trả lời đầy đủ và nộp bảng trả lời câu hỏi theo đúng định dạng và thời hạn. “Hai tháng qua, từ khi hé lộ thông tin, chúng tôi cũng đã cùng đại diện Bộ NN-PTNT làm việc với các DN, hiệp hội để hướng dẫn DN và nông dân cách ứng phó. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra phía Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất”, ông Dũng nói.
Sớm chủ động, không bi quan
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thiện Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác mật ong Đắk Nguyên Hồng, một trong những DN Việt xuất khẩu lớn nhất mật ong vào Mỹ, thừa nhận sẽ không tránh khỏi những tổn thất, mà trước mắt là nguy cơ sản lượng vào đất Mỹ sẽ giảm. Dẫu vậy, ông Cường cho rằng cùng với trả lời bảng câu hỏi thì các cơ quan chức trách của Việt Nam cần nhấn mạnh với phía Mỹ rằng nuôi ong là một câu chuyện mang tính xã hội nhiều hơn là vấn đề kinh tế. “Nghề nuôi ong không chỉ giúp giải quyết lao động nghèo, vùng dân tộc mà còn gắn với trồng rừng, đảm bảo môi trường sinh thái cân bằng”, ông Cường phân tích.
Cùng với đó, ông Cường cũng lạc quan rằng phía Mỹ tiến hành điều tra cả 4 nước đối thủ lớn của Việt Nam nên không phải không có cơ hội để hàng Việt được áp thuế thấp hơn các nước kia, tức là cơ hội gia tăng thị phần cũng đi kèm.
Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, hy vọng vẫn còn một quãng thời gian trước khi DOC tiến hành khởi xướng điều tra chính thức, trong khi nhờ có thông tin sớm mà hiệp hội đã cùng các cơ quan quản lý có những bước chuẩn bị nhất định trong việc hợp tác trả lời, thông tin cho phía Mỹ. “Tất nhiên chúng tôi không muốn phải hứng chịu một quá trình pháp lý kiện tụng kéo dài, vì đa số DN ngành nuôi ong là nhỏ và siêu nhỏ, tổng kim ngạch xuất khẩu cỡ 70 triệu USD/năm, chưa bằng một DN thủy sản vừa vừa và ngành này cũng chưa bao giờ có kinh nghiệm tham kiện. Nhưng nếu có thì cũng hãy coi đó là bình thường trong quá trình hội nhập để chuẩn bị tinh thần ứng phó, bởi đây là công cụ phòng vệ của bất kỳ quốc gia nào trong bối cảnh thương mại ngày nay”, ông Vân bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận