Mỹ đề xuất luật cấm các “ông lớn” công nghệ phát hành tiền ảo
Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ đang soạn thảo một dự luật ngăn cấm các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook hoạt động như các tổ chức tài chính hoặc phát hành các đồng tiền ảo (tiền kỹ thuật số).
Hãng tin Reuters hôm 15-7 tiết lộ Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ đang soạn thảo có tên gọi “Đạo luật ngăn cấm "ông lớn" công nghệ khỏi ngành tài chính”. Dự luật bao gồm các quy định cấm các nền tảng công nghệ lớn trở thành các tổ chức tài chính hoặc phát triển và phát hành các đồng tiền ảo, đồng thời đề xuất mức xử phạt 1 triệu đô la Mỹ mỗi ngày đối với các công ty vi phạm các quy định của dự luật.
Dự luật áp dụng cho bất kỳ công ty công nghệ nào có doanh thu toàn cầu mỗi năm từ 25 tỉ đô la trở lên. Điều này có nghĩa là các công ty như Facebook, Google, Amazon, Apple và Microsoft đều có thể bị ảnh hưởng.
Đề xuất dự luật xuất hiện giữa lúc kế hoạch phát hành đồng tiền ảo Libra của Facebook đang vấp phải sự chỉ trích rộng rãi. Tháng trước, Facebook công bố 28 đối tác tham gia Hiệp hội Libra nhằm giúp phát triển và vận hành đồng tiền ảo này, bao gồm các tên tuổi đáng chú ý như các hãng thanh toán Visa, Mastercard, PayPal, hai hãng gọi xe Uber và Lyft, công ty công nghệ tài chính Stripe (Mỹ), nền tảng đặt phòng khách sạn Booking.com...
Mỗi đối tác sẽ đóng góp tối thiểu 10 triệu đô la khi gia nhập hiệp hội. Facebook đặt mục tiêu thu hút 100 đối tác tham gia. Để hỗ trợ các giao dịch, Facebook thành lập công ty con có tên gọi Calibra nhằm cung cấp các ví điện tử để người dùng cất giữ, gửi và chi tiêu Libra. Calibra sẽ được kết nối với các nền tảng nhắn tin của Facebook bao gồm Messenger và WhatsApp. Toàn thể hệ thống Libra dự kiến đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2020.
Ngay khi Facebook công bố kế hoạch về tiền ảo Libra, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng phản đối. Hạ nghị sĩ phe Dân chủ Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ, kêu gọi Facebook dừng phát triển Libra cho đến khi các nghị sĩ và các cơ quan quản lý thẩm định xong dự án này.
Nhiều quan chức cấp cao khác cũng lo ngại về các nguy cơ tiền ảo Libra bị kẻ xấu sử dụng cho các mục đích phi pháp.
Phát biểu với các phóng viên hôm 15-7 tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ lo ngại về các hệ lụy an ninh quốc gia của đồng tiền ảo Libra của Facebook và các đồng tiền ảo khác. Ông cho rằng nguy cơ những kẻ xấu sử dụng các đồng tiền ảo này để rửa tiền và thực hiện các hoạt động phi pháp khác là rất cao.
Ông nói: “Đây là một vấn đề an ninh quốc gia. Chúng tôi sẽ không cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo hoạt động trong bóng tối”.
Tuần trước, tại một cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bày tỏ những mối lo ngại nghiêm trọng với đồng tiền ảo Libra. Ông hoài nghi về kế hoạch của Facebook phát hành Libra vào năm sau. Ông khẳng định kế hoạch này có thể không được thúc đẩy trừ phi Facebook giải quyết các lo ngại về quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và sự ổn định tài chính.
Hôm 11-7, thông qua Twitter, Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng chỉ trích nỗ lực phát hành tiền ảo Libra của Facebook. Ông cho rằng các đồng tiền ảo thường được sử dụng để tiếp tay cho “hành vi phạm luật”.
Sự phản đối đồng tiền ảo Libra của phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa có thể đặt thêm áp lực mới cho Facebook giữa lúc công ty này đang bị giám sát chặt chẽ vì các vụ bê bối liên quan đến dữ liệu người dùng.
Hôm nay (16-7), David Marcus, Giám đốc dự án tiền ảo Libra của Facebook ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ theo giờ địa phương. Theo nội dung văn bản trả lời điều trần soạn sẵn của Marcus, Facebook cam kết trao đổi với các cơ quan quản lý và hợp tác với các nhà làm luật về các hướng dẫn đối với Libra.
Ông Marcus cũng nói Facebook sẽ không phát hành tiền ảo Libra cho đến khi giải tỏa hết mối lo ngại của các cơ quan quản lý cũng như nhận được các sự tán thành của họ. Ông nói Hiệp hội Libra có trụ sở đặt ở Geneva (Thụy Sĩ), được giám sát bởi Cơ quan Giám sát Các thị trường Tài chính Thụy Sĩ nhưng hiệp hội này cũng sẽ đăng ký với Mạng lưới thực thi pháp luật chống tội ác tài chính của Bộ Tài chính Mỹ để tuân thủ các quy định về chống rửa tiền.
“Facebook sẽ hợp tác với Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác để bảo đảm rằng Libra không cạnh tranh với các đồng tiền chủ quyền hoặc can thiệp vào chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương”, ông Marcus nhấn mạnh.
Theo ông, mọi mục đích phát triển tiền ảo Libra là cung cấp cho mọi người một phương tiện chuyển tiền trên khắp thế giới với chi phí rẻ, an toàn và an ninh.
Ngày mai (17-7), ông Marcus sẽ tiếp tục ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ.
IMF: ngân hàng truyền thống có thể bị tiền kỹ thuật số vượt mặt Theo nghiên cứu mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng hoặc phát triển hoặc có nguy cơ thụt lùi khi các công ty công nghệ lớn lấn sân và làm rung chuyển hệ thống tài chính. Trong một bài báo xuất bản hôm thứ Hai có tựa đề là “Sự trỗi dậy của tiền kỹ thuật số”, các tác giả của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là Tobias Adrian và Tommaso Mancini-Griffoli cho biết, hai hình thức tiền phổ biến nhất hiện nay là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và thậm chí có thể bị vượt mặt. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ vẫn tồn tại song phải đối diện với các mối đe dọa ngày càng tăng từ các gã khổng lồ công nghệ và các công ty khởi nghiệp fintech. "Một số sẽ bị bỏ lại phía sau, không nghi ngờ gì nữa”, các tác giả đã viết. Nghiên cứu được công bố khi các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách đang tranh luận về vai trò của các công ty công nghệ và tiền kỹ thuật số trong hệ thống ngân hàng và thanh toán. Facebook đã gặp phải sự hoài nghi từ nhiều quan chức trên thế giới khi thông báo rằng họ sẽ ra mắt một loại tiền điện tử có tên Libra. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell cho biết Libra làm tăng mối lo ngại về vấn đề bảo mật, rửa tiền, quyền lợi người tiêu dùng và sự ổn định tài chính. “Các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị để đón nhận một số gián đoạn trong ngành ngân hàng trong thời gian sắp tới”, tờ IMF viết. IMF cũng chỉ ra những lợi thế nhất định của các ngân hàng truyền thống so với các đối thủ công nghệ, chẳng hạn khả năng tăng lãi suất tiền gửi. Trong khi Libra sẽ không cung cấp bất kỳ lợi ích nào cho người dùng. Nhưng tờ báo nhận định các công ty công nghệ lớn và các công ty khởi nghiệp fintech là những chuyên gia về cung cấp dịch vụ tiện ích, hấp dẫn, chi phí thấp và đáng tin cậy cho một mạng lưới khách hàng lớn. IMF xem xét vai trò của các ngân hàng trung ương trong việc phát hành các loại tiền kỹ thuật số. Trong một cuộc phỏng vấn của CNBC vào tháng Tư, Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF khi đó đã nói rằng những kẻ gây rối trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả tiền điện tử thực sự tạo ra tác động lên các ngân hàng truyền thống. Ngọc Mai |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận