Mỹ đề nghị giảm thuế một loạt mặt hàng, Việt Nam xem xét thế nào?
Chi tiết các mặt hàng, mức thuế và lộ trình phía Mỹ đề nghị giảm, cùng các bước cụ thể mà Việt Nam đang xem xét.
Như BizLIVE đề cập ở bản tin trước, Bộ Tài chính vừa có công văn 14813/BTC-CST, xin ý kiến các Bộ, ngành lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, một số mặt hàng nông sản như: gà, hạnh nhân, táo tươi, nho tươi, nho khô, lúa mỳ, óc chó chưa bóc vỏ, khoai tây, thịt lợn, sữa... dự kiến sẽ được giảm thuế nhập khẩu.
Trước đó, lần lượt các đầu mối phía Mỹ như Đại sứ quán, ủy ban, hiệp hội liên quan... đã đề nghị Việt Nam giảm thuế một loạt các mặt hàng ngay trong năm 2020 và có lộ trình giảm về 0% trong những năm tiếp theo.
Tại công văn 14813/BTC-CST, Bộ Tài chính đã đề cập đến việc giảm thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu, cùng với đó là tác động của việc giảm thuế này đến nguồn thu ngân sách, nền sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng... Bên cạnh đó, việc nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu được xem như biện pháp để hỗ trợ, thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, có những mặt hàng thuộc nhóm Việt Nam có bảo hộ cao (như thịt gà), hoặc trong lộ trình thực hiện riêng với các đối tác CPTPP, hoặc có trong cam kết EVFTA, các hiệp định FTA với các đối tác..., nên Bộ Tài chính Việt Nam xem xét thận trọng, cũng như các mức giảm dự kiến không như phía Mỹ đề nghị.
Nhìn chung, ngoài mặt hàng sữa và các chế phẩm từ sữa có nhiều mã và dòng sản phẩm được đề xuất giảm tiến sát và tương đồng với đề xuất của phía Mỹ, các mặt hàng, nhóm hàng khác còn khoảng cách khá lớn giữa hai bên.
Trong khi phía Mỹ đề xuất giảm sâu nhiều mặt hàng từ 5%, cùng với về 0% một số mặt hàng ngay trong năm 2020, có lộ trình giảm về 0% nhiều mặt hàng khác trong những năm tiếp theo, thì đa phần tính toán giảm thuế trong dự thảo từ phía Việt Nam có mức giảm khoảng 1-2%/mặt hàng.
Về mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh, một loại thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu bữa ăn của người Việt, phía Mỹ đề nghị giảm thuế nhập khẩu xuống 18,9% năm 2020 và về 0% trong năm 2027. Trong khi đó Bộ Tài chính dự kiến giảm từ 25% xuống 22%. Mức thuế suất này tiệm cận với mức thuế suất cắt giảm năm 2019 theo Hiệp định CPTPP là 21,6%, do Biểu thuế MFN không có mức thuế suất 21% nên quy định mức thuế suất 22%.
Bộ Tài chính lý giải, với mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà, mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định CPTPP. Với mặt hàng khoai tây, giảm từ 13% xuống 12%, bằng cam kết EVFTA năm 1. Với nho khô, giảm từ 13% xuống 12%, mức giảm cao hơn mức AIFTA và tương đương với mức giảm năm thứ 1 trong CPTPP 11,3%. Với hạt óc chó, chưa bóc vỏ sẽ được điều chỉnh mức thuế suất từ 10% xuống 8%, cao hơn mức thuế suất dành cho Chi lê (VCFTA) năm 2019 (do mặt hàng này chủ yếu nhập khẩu từ Chi lê).
Với mặt hàng táo, nho tươi, Bộ Tài chính dự kiến trước mắt giảm thuế đối với mặt hàng táo tươi từ 10% xuống 8%. Trường hợp giảm thuế suất từ 10% xuống 5% bằng mức thuế suất CPTPP sẽ có khả năng các nước chưa và đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ tạo sức ép chính trị đối với Việt Nam để trì hoãn việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP hoặc đặt vấn đề đàm phán lại mức thuế suất yêu cầu Việt Nam cũng phải giảm hơn nữa đối với thuế suất CPTPP cao hơn MFN.
Về mặt hàng lúa mỳ, Bộ Tài chính nhận thấy, đây là mặt hàng trong nước trồng rất ít, cơ bản là nhập khẩu, tuy nhiên để hạn chế ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, các sản phẩm ngũ cốc thay thế trong nước, Bộ Tài chính dự kiến giảm mặt hàng này từ 5% xuống 3%...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận